Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học như: “Một số nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội” của GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; “Phát triển cải tạo và tái thiết các không gian công cộng, không gian xanh đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội” của PGS.TS.KTS Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Cùng các tham luận “Phát huy vai trò dẫn dắt và kết nối của thành phố Hà Nội để phát triển vùng Thủ đô hiện đại và bền vững” của PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương; “Một số ý kiến góp ý đối với đề cương định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” của GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp...
Với tham luận “Phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô - nền tảng và động lực cho “văn hiến - văn minh - hiện đại”, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, Quy hoạch phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố Hà Nội.
Để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, thành phố sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp trên lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo cần được ưu tiên đặc biệt để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, vượt trội.
GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ, Chương trình giáo dục đóng vai trò nền tảng, quyết định đến việc hình thành những thế hệ công dân Thủ đô phát triển toàn diện, có phẩm chất, năng lực ưu tú, có năng lực hội nhập quốc tế và giữ được bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Vì vậy, các cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường cần chủ động phát triển chương trình quốc gia phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và tiệm cận với xu hướng quốc tế.
Trong quá trình điều chỉnh, bổ sung chương trình quốc gia và triển khai thực hiện, cần có sự tham gia của các nhà khoa học giáo dục, các trường đại học sư phạm, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác đào tạo, nghiên cứu với việc thực hiện chương trình ở các cơ sở giáo dục, giữa lý thuyết với thực tiễn.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, đây là diễn đàn kết nối đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành nghiên cứu trên các lĩnh vực nhằm kịp thời bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nội dung hội thảo rất đặc biệt, thảo luận về những vấn đề hệ trọng của thành phố, không chỉ liên quan đến những vấn đề của Hà Nội, những vấn đề trước mắt mà cả lâu dài, tầm nhìn không chỉ dừng lại ở 5 năm. Vì thế, nếu Hà Nội có được quy hoạch đúng, trúng thì còn có một chức năng quan trọng là đầu tàu, động lực, góp phần lan tỏa, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Bắc, trong đó có khu vực đồng bằng sông Hồng phát triển thời gian tới.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, những ý kiến phát biểu tại hội thảo cũng như tham luận trong kỷ yếu là những tâm huyết, tình yêu dành của các chuyên gia, nhà khoa học dành cho Hà Nội, để thành phố phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới với quan điểm thành phố không đặt vấn đề cạnh tranh với các tỉnh, thành phố trong cả nước mà phải sánh tầm với các quốc gia trong khu vực, thế giới.