(GDTĐ) - Ngày 1/7/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình – ông Phạm Quang Ngọc đã ký ban hành Quyết định số 12/2025/QĐ-UBND, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Ninh Bình.
Theo quyết định này, Sở GD&ĐT Ninh Bình là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, chịu trách nhiệm quản lý đội ngũ viên chức, biên chế và hoạt động của ngành giáo dục địa phương. Đồng thời, Sở cũng thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ từ Bộ GD&ĐT.
Sau quá trình sắp xếp và sáp nhập hệ thống giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình hiện bao gồm 9 phòng chuyên môn và tương đương; quản lý 119 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 92 trường THPT, 25 trung tâm GDTX, GDNN-GDTX, trung tâm hướng nghiệp, tin học, ngoại ngữ; Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và Du lịch Ninh Bình và Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định.
Đáng chú ý, trong quá trình tổ chức lại hệ thống, 3 trường THPT chuyên của tỉnh Ninh Bình vẫn được giữ nguyên tên, bao gồm: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy và Trường THPT chuyên Biên Hòa. Việc giữ nguyên tên các trường chuyên thể hiện sự tôn trọng truyền thống và giá trị đã được gây dựng qua nhiều năm.
Bên cạnh đó, một số trường THPT ở các tỉnh lân cận cũng được điều chỉnh tên gọi sau sáp nhập. Cụ thể, tại tỉnh Nam Định, Trường THPT Trần Hưng Đạo đổi thành THPT A Trần Hưng Đạo; Trường THPT Nguyễn Khuyến đổi thành THPT B Nguyễn Khuyến; Trường THPT Nguyễn Huệ đổi thành THPT B Nguyễn Huệ.
Tại Ninh Bình, Trường THPT Trần Hưng Đạo được đổi thành THPT B Trần Hưng Đạo; Trường THPT Nguyễn Huệ đổi tên thành THPT A Nguyễn Huệ. Trường THPT Nguyễn Khuyến trước đây thuộc tỉnh Hà Nam, nay được đổi tên thành THPT A Nguyễn Khuyến.
Việc đổi tên các trường học nhằm chuẩn hóa và thống nhất trong hệ thống giáo dục sau sáp nhập, đồng thời giúp quản lý hiệu quả hơn trong toàn bộ mạng lưới giáo dục trung học phổ thông tại địa phương.