Nỗ lực "dặm" lại kiến thức cho trò

Đức Trí | 03/04/2022, 10:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dịch bệnh khiến việc dạy học phải thay đổi hình thức phù hợp tình hình thực tế. Thậm chí nhiều nơi phải nghỉ học tạm thời nhiều đợt, khiến việc học tập của học sinh lớp 1 bị ảnh hưởng.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã cơ bản đọc thông, viết thạo. Ảnh: NTCCHọc sinh lớp 1 Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã cơ bản đọc thông, viết thạo. Ảnh: NTCC

Củng cố lại kiến thức được xác định là nhiệm vụ quan trọng của các trường trước khi kết thúc năm học.

Tác động từ Covid-19

Cô Nguyễn Thị Oanh, giáo viên lớp 1 điểm trường Pá Quăn, Trường Tiểu học Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) cho biết: Từ đầu năm học, do dịch bệnh nên học sinh phải nghỉ học tạm thời 2 - 3 đợt với tổng số thời gian 2 tháng mà không có điều kiện học trực tuyến.

Với đặc thù 100% học sinh dân tộc Thái, các em giao tiếp hàng ngày chủ yếu bằng tiếng mẹ đẻ nên khả năng sử dụng tiếng Việt bị hạn chế. Trải qua 2/3 thời gian năm học, lớp có 8 học sinh nhưng chỉ 4 em đọc lưu loát, phát âm tốt; 3 em tốc độ đọc trung bình; 1 em còn phát âm sai về dấu (sắc, huyền).

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ (Quản Bạ, Hà Giang), sau Tết, việc dạy học trực tiếp diễn ra được 1 tháng thì học sinh phải nghỉ học. Thầy Tạ Văn Kha - Hiệu trưởng nhà trường không tránh khỏi lo lắng bởi học sinh tiếp thu chậm, không được học trực tuyến. Các em mới từ mầm non lên tiểu học nên tiếng Việt còn yếu; đặc biệt lứa tuổi nhỏ dễ nhớ mau quên. Khi quay lại trường, học sinh lớp 1 thường rơi vào trạng thái quên mặt chữ, đọc viết chậm, thậm chí có em như mới học. Do đó, khi đi học trở lại giáo viên phải củng cố lại kiến thức bên cạnh hoàn thành nội dung mới.

Với học sinh ở các trường vùng cao, vùng khó khăn, việc liên tiếp chuyển đổi hình thức dạy học trực tuyến, trực tiếp cũng tác động ít nhiều đến chất lượng, hiệu quả dạy học. Học sinh chủ yếu chưa thành thạo với kỹ năng làm phép tính. Còn kỹ năng đọc, viết cơ bản ổn định.

Cô Nguyễn Thị Hiền - giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Nhân Thịnh (Lý Nhân, Hà Nam) cho biết: Học sinh chuyển sang học trực tuyến vào đúng phần rèn kỹ năng viết hoa, viết câu. Đây là kỹ năng không dễ, mà việc học trực tuyến khiến học sinh khó hình dung điểm đặt bút bắt đầu từ đâu, trình bày câu ra sao? Trong khi đó, việc trình chiếu hướng dẫn viết của giáo viên không thể thường xuyên hoặc có thể uốn nắn kịp thời cho học sinh như trên lớp.

Theo cô Hiền, dự kiến việc học trực tuyến sẽ kết thúc ngày 31/3. Học sinh trở lại trường, giáo viên sẽ tập trung tối đa thời gian để củng cố ôn tập lại các kỹ năng viết câu, viết hoa mà học sinh còn yếu. Thậm chí, nếu kết thúc năm học, việc củng cố kiến thức chưa bảo đảm sẽ tiếp tục thực hiện vào thời điểm trước khai giảng năm học. Làm sao để học sinh bước vào lớp 2 đạt được yêu cầu cơ bản là đọc thông viết thạo, thậm chí nâng cao hơn…

Cô Hoàng Thị Phương Loan - giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng) trao đổi: Học sinh trở lại học trực tiếp từ sau Tết đến nay (trừ học sinh diện F học trực tuyến tại nhà). Quá trình dạy học trực tuyến, trực tiếp xen kẽ cơ bản học sinh vẫn đọc thông viết thạo nhưng yếu kỹ năng điều chỉnh, hạ cỡ chữ từ to xuống nhỏ. Một số ít học sinh cũng yếu hơn so với yêu cầu chung trong trình bày bài toán, kỹ năng đọc, viết...

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã cơ bản đọc thông, viết thạo. Ảnh: NTCC

Chuẩn kiến thức trước khi bước vào lớp 2

Để giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh cho học sinh lớp 1, cô Nguyễn Thị Oanh cho biết: Giáo viên đã nỗ lực hỗ trợ học sinh có sức học yếu, dành thời gian nhiều hơn để luyện đọc, viết cho các em, giao bài để ôn thêm tại nhà.

Với học sinh diện F0, F1 thực hiện cách ly và không thể học trực tiếp tại lớp, một mặt giao bài qua Zalo, với gia đình không có điều kiện thì in bài tập thậm chí chép tay bài ôn rồi chuyển tới tận nhà cho học sinh.

Trường Tiểu học Trung Lý đang triển khai dạy học 2 buổi/ngày, tập trung củng cố kiến thức căn bản 2 môn quan trọng Toán, Tiếng Việt cho học sinh lớp 1. Ngoài ra phối hợp, yêu cầu phụ huynh dành thời gian giúp trẻ chép chính tả tại nhà bên cạnh giáo viên hỗ trợ đọc chép, làm toán tại lớp.

Theo cô Oanh, học sinh đã học 2 buổi/ngày nên việc củng cố kiến thức được tiến hành khoa học, tạo tâm lý thoải mái nhất trong học tập. Giáo viên, phụ huynh động viên là chính để tránh áp lực học tập. Ngoài ra phương án ôn tập lại kiến thức căn bản cho học sinh lớp 1 còn được tính toán triển khai trước khai giảng năm học mới.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ (Quản Bạ, Hà Giang), thầy Hiệu trưởng Tạ Văn Kha cho biết: Ngay khi trở lại sẽ tập trung củng cố các môn Tiếng Việt, Toán để học sinh đọc viết thành thạo. Trường sẽ cắt một số tiết đọc thư viện, rèn luyện, sinh hoạt tập thể… để tăng thêm thời gian học tập trực tiếp, củng cố kiến thức.

Đặc biệt, việc dạy học 2 buổi/ngày và tăng thêm chiều thứ 6, ngày thứ 7 cũng là phương án để có thời gian phụ đạo. Không trừ trường hợp trường sẽ thực hiện mô hình khép kín với 247 học sinh bán trú (trong đó có học sinh khối 1) sẽ ăn ở tại trường cả tuần, học tách riêng học sinh ngoại trú để phòng dịch và duy trì tiến độ dạy học, ôn tập…

Ngay khi học sinh đi học trực tiếp trở lại, cô Hoàng Thị Phương Loan đã khảo sát và lên kế hoạch bồi dưỡng kỹ năng còn yếu vào chiều thứ 6 và sáng thứ 7. Ngoài ra còn yêu cầu phụ huynh giúp con đọc viết thêm tại nhà bằng cách chụp bài viết, quay lại quá trình đọc để giáo viên nhận xét, hướng dẫn, uốn nắn thêm.

Để tránh áp lực vừa học chính khóa vừa củng cố lại kiến thức kỹ năng, giáo viên tạo tinh thần vui vẻ cho học sinh trong quá trình học tập tại lớp. Giáo viên cũng đan xen việc dạy học với tổ chức các trò chơi để tạo sự hưng phấn, hứng thú học tập cho các em.

Dạy học trực tuyến, trực tiếp xen kẽ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả, kết quả dạy và học. Hàng ngày, ngoài học trực tuyến theo chương trình chung, giáo viên còn yêu cầu phụ huynh hỗ trợ học sinh đọc viết và quay clip gửi cho giáo viên xem lại, hướng dẫn. Trên cơ sở kết quả học của học sinh, giáo viên cũng hướng dẫn cho phụ huynh cách giúp trẻ học tập tại nhà. Đặc biệt, trường đã lên phương án củng cố lại kiến thức thời gian học trực tuyến và kiến thức học sinh còn yếu khi trở lại trường. Thậm chí, khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, học sinh có thể đến trường, giáo viên lớp 1 sẽ “dặm” lại tất cả kiến thức, kỹ năng mà các em còn yếu, bảo đảm bước vào lớp 2 vững vàng. - Cô Nguyễn Thị Hợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình).
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗ lực "dặm" lại kiến thức cho trò