Theo TS Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng trường VLU, VLU là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận QS Stars 4 sao ngay trong lần đầu kiểm định. Chứng nhận 4 sao cũng là xếp loại QS cao nhất của các trường đại học Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.
QS đánh giá 6/8 tiêu chuẩn của VLU đạt 4 và 5 sao, trong đó nhà trường đạt điểm tuyệt đối cho các tiêu chí về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, các dịch vụ hỗ trợ việc làm cho sinh viên, hoạt động hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu, các liên kết mạng lưới quốc tế và khu vực, các hoạt động thiện nguyện và cộng đồng... Bên cạnh đó, nhà trường được đánh giá 4 sao cho 2 tiêu chuẩn khác, gồm Chất lượng giảng dạy và Văn hóa nghệ thuật.
“Kết quả kiểm định QS Stars năm 2021 là minh chứng thể hiện những nỗ lực bền bỉ của tập thể sư phạm nhà trường, đồng thời là dấu hiệu tích cực cho thấy môi trường giáo dục đại học của VLU đang ngày một tiệm cận chuẩn mực của các đại học quốc tế xuất sắc…” - TS Nguyễn Cao Trí chia sẻ.
Ngoài ra, QS cũng đã trao chứng nhận đạt QS 3, 4 sao cho một số cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam gồm: Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường ĐH VinUni…
Sinh viên ngành Kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) học thực hành. |
Để đạt các chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế, điều đầu tiên dễ nhận thấy nhất là việc điều chỉnh chương trình đào tạo, thay đổi phương thức giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất phòng thí nghiệm ở các cơ sở giáo dục đại học.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Nam - Trưởng khoa Công nghệ cơ khí, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, để tiến tới đạt ABET, chương trình đào tạo của nhà trường đã có một lộ trình thay đổi. Trong đó, điều đầu tiên là phải có được sự chỉ đạo xuyên suốt từ Đảng ủy và Ban giám hiệu nhà trường. Mọi vấn đề phát sinh khi xây dựng chương trình đào tạo đều được Ban giám hiệu chỉ đạo, thống nhất với các đơn vị để xử lý. Trên cơ sở được chỉ đạo và hỗ trợ từ Ban giám hiệu, lãnh đạo khoa sẽ tiến hành thực hiện xây dựng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn ABET. Kết quả là, thay đổi mạnh mẽ trong tư duy của lãnh đạo khoa là hoạt động bảo đảm chất lượng được xem là một hoạt động trọng tâm, thường xuyên trong công tác đào tạo.
“Trong quá trình thực hiện kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn ABET, cái khó khăn nhất chính là thay đổi văn hóa đảm bảo chất lượng trong tư duy của đội ngũ giảng viên. Trong đó, hoạt động đảm bảo chất lượng đã chuyển từ hoạt động hỗ trợ sang hoạt động thường xuyên trong nhiệm vụ của giảng viên...” - PGS.TS Nguyễn Đức Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc xây dựng theo chuẩn ABET thì đầu tiên phải thay đổi mục tiêu chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của chương trình cho phù hợp với tiêu chí của ABET và phù hợp với thế mạnh của từng chương trình. Việc thay đổi này có sự đóng góp từ các bên liên quan (doanh nghiệp, giảng viên, cựu sinh viên) cho nên phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.
Chương trình đào tạo Kỹ thuật y sinh của Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM, đạt chuẩn ABET từ năm 2018. Về những khó khăn gặp phải khi kiểm định ABET, PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp - Trưởng khoa Kỹ thuật y sinh IU - cho biết: Thứ nhất, ABET đánh giá rất cao vấn đề thực hành cho sinh viên trong phòng thí nghiệm nên đoàn kiểm tra rất chặt chẽ các báo cáo về thực hành, kinh nghiệm thực hiện các môn học, cũng như việc giảng dạy của thầy cô. Điều này dẫn tới việc thực hiện kiểm định theo ABET các trường phải đầu tư nhiều về phòng thí nghiệm, cũng như những yếu tố về an toàn trong phòng thí nghiệm.
Trong suốt quá trình chuẩn bị kiểm định thì đơn vị phải đánh giá 2 lần. Khoa họp lấy ý kiến sinh viên tốt nghiệp ra trường làm ở đâu, bao nhiêu % sinh viên có việc làm, thu thập những góp ý của cựu sinh viên, góp ý của doanh nghiệp... để từ đó có những cải thiện chương trình đào tạo.
“Ví dụ ngành Kỹ thuật y sinh đánh giá, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn năm 2018 thì trước đó khoa đã triển khai đánh giá 2 lần và trong đợt 2 phải chứng minh được rằng hồ sơ đã cải thiện chương trình đào tạo theo thị trường lao động. Do đó, khoa đã thành lập hội đồng cố vấn doanh nghiệp để cải thiện chương trình đào tạo phù hợp với thị trường lao động. Tới năm 2024 hết một chu trình của ABET phải đánh giá lại thì khoa phải chứng minh được những cải thiện tiếp tục của mình...” - PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp thông tin thêm, chương trình đào tạo Kỹ thuật y sinh của IU may mắn được thiết kế bởi GS Võ Văn Tới. Trước khi về Việt Nam thì thầy Tới đã có thời gian nghiên cứu về chuẩn ABET ở Mỹ nên khi xây dựng chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật y sinh gần như tiệm cận với ABET. Tuy nhiên, khi đánh giá thì đơn vị cũng bị vướng một lỗi nhỏ là chuẩn an toàn phòng thí nghiệm.
“Khi dạy mình không để ý nhưng an toàn phòng thí nghiệm theo chuẩn quốc tế rất khó. Ví dụ như cái găng tay bỏ rác thì bỏ như thế nào để đạt chuẩn, cũng phải có quy định. Việc vứt rác như thế cũng phải có quy định hẳn hoi và phải chứng minh rõ ràng. Sau khi được chuyên gia góp ý, khoa đã điều chỉnh và trình nhà trường xem xét hỗ trợ. Sau đó khi tới đánh giá thật thì mọi thứ đều ổn và đạt chuẩn. Kinh nghiệm rút ra là thuê đoàn chuyên gia sang kiểm tra góp ý trước khi đánh giá thật...” - PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ.
Trước đó trong quá trình dạy, thầy cô muốn cho điểm thế nào thì cho, cảm tính cũng có... nhưng khi có chuẩn rồi thì phải theo đúng quy định của chuẩn, đồng thời phân loại rất rõ về học lực của sinh viên giỏi, khá, trung bình. Nhìn chung khi áp theo chuẩn thì mọi thứ khá êm. Tuy nhiên, nhà trường phải hỗ trợ khoa nuôi một đội kiểm định, đội này sau mỗi học kỳ là đi kiểm tra xem những đánh giá của thầy cô đã đúng hay chưa... - PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp