Tuy nhiên, phụ huynh của em này đã kiện cô giáo tội hành hung học sinh. Nếu một giáo viên cố gắng ngăn chặn một vụ đánh nhau giữa học sinh trong lớp có thể đối mặt với cáo buộc lạm dụng thể chất. Còn nếu giáo viên la mắng đứa trẻ đó sẽ bị cáo buộc lạm dụng tình cảm.
Hồi đầu tháng 7, cô giáo được tha bổng sau một năm kiện tụng. Nữ giáo viên nghẹn ngào nói: “Việc giáo viên phải thu hết can đảm để giáo dục học sinh có phải là chuyện bình thường hay không? Tôi cảm thấy mình như đang đi trên một lớp băng mỏng mỗi ngày. Luật phòng chống xâm hại trẻ em không nên bị lạm dụng để phụ huynh đe dọa giáo viên”.
Một giáo viên 50 tuổi đã có 20 năm kinh nghiệm nhìn nhận: “Học sinh ngày nay không nghe lời giáo viên, không giống trong quá khứ. Tôi có thể cảm thấy rất nhiều học sinh coi thường giáo viên”.
Chị Park, 41 tuổi, một giáo viên trung học cho hay: “Trẻ em ngày nay khiến tôi sợ hãi. Tôi cố gắng tiếp xúc với trẻ em càng ít càng tốt trừ khi ở trong lớp hoặc nếu cần tư vấn. Sự tôn trọng và niềm tin vào giáo viên đã bị sụp đổ trong một thời gian dài”.
Ông Lee Tae-kyu, đại diện Đảng Quyền lực Nhân dân Hàn Quốc đã đề xuất sửa đổi Đạo luật Phòng ngừa và Đối phó với Bạo lực trong trường học. Theo đó, giáo viên được trao quyền miễn trừ các cáo buộc dân sự, hình sự trong trường hợp không cố ý hoặc sơ suất nghiêm trọng khi họ thực hiện kỷ luật chính đáng hoặc hướng dẫn học sinh. Hiệp hội giáo viên Hàn Quốc cũng kêu gọi thông qua dự luật cải cách để giáo viên có thể tích cực tham gia ngăn chặn bạo lực học đường.
Tôn trọng giáo viên và coi trọng giáo dục là những giá trị cốt lõi ở Trung Quốc. |
Tôn sư trọng đạo là truyền thống lâu đời của nhiều quốc gia châu Á nói chung và Đông Á nói riêng.
Theo Chỉ số Tình trạng Giáo viên Toàn cầu 2018 của Quỹ Varkey, nghiên cứu được đánh giá là toàn diện nhất về mức độ tôn trọng dành cho giáo viên thế giới, Trung Quốc xếp thứ nhất. 81% người Trung Quốc được hỏi tin rằng học sinh tôn trọng giáo viên của mình trong khi mức trung bình toàn cầu là 36%.
Ông Vikas Pota, Chủ tịch Quỹ Varkey, cho biết: “5 năm sau khi Chỉ số Tình trạng Giáo viên Toàn cầu đầu tiên vào năm 2013, Trung Quốc lại một lần nữa đứng đầu, là minh chứng cho mức độ tôn trọng giáo viên của người dân nước này. Điều này là rất quan trọng vì nghiên cứu cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa tâm thế của giáo viên và thành tích học tập của học sinh được đánh giá qua PISA”.
Tôn trọng giáo viên và coi trọng giáo dục là những giá trị cốt lõi ở Trung Quốc. Nước này tin rằng giáo viên đóng vai trò như kỹ sư tâm hồn của con người, là người thúc đẩy nền văn minh nhân loại phát triển bằng cách phổ biến kiến thức, sự thật, định hình cuộc sống và nuôi dưỡng các thế hệ sau này.
So với nhiều quốc gia, mức độ bình đẳng giới trong giáo viên ở Trung Quốc tương đối tốt. Với giáo dục tiểu học, tỷ lệ giáo viên nữ trung bình là 63%. Còn ở giáo dục THCS và THPT, con số này lần lượt là 53% và 51%.
Một trong những vấn đề lớn về đội ngũ giáo viên Trung Quốc là chênh lệch giữa giáo viên nông thôn và thành thị. Theo ước tính năm 2018, khoảng 3 triệu giáo viên mẫu giáo, tiểu học và THCS ở nông thôn có trình độ thấp. Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị dạy học kém nên thầy cô nông thôn cũng vất vả hơn giáo viên thành phố.
Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều biện pháp thu hút, phát triển và giữ chân giáo viên giỏi ở vùng nông thôn như tăng cường tuyển dụng sinh viên sư phạm học lực giỏi cho vùng nông thôn; phối hợp với các tổ chức giáo dục để đào tạo giáo viên nông thôn; khuyến khích di động giáo viên từ thành thị về nông thôn...
Tương tự, giáo viên và quản lý trường học tại Nhật Bản được đánh giá rất cao. Trong một nghiên cứu về 82 ngành nghề tại nước này, hiệu trưởng là nghề được tôn trọng thứ 9, giáo viên đứng thứ 18. Giáo sư đại học đứng thứ 3, cao hơn bác sĩ (xếp hạng thứ 7). Lương của giáo viên cũng nằm ở mức cao so với những ngành nghề yêu cầu bằng cấp tương đương.
Giáo viên là nghề nghiệp được đánh giá rất cao tại Nhật Bản. |
Người dân Nhật Bản thường gọi giáo viên với kính ngữ “sensei”, thường sử dụng khi xưng hô với bác sĩ hoặc thành viên Quốc hội. Giáo viên được đánh giá cao đến mức cảnh sát sẽ liên hệ với giáo viên trước phụ huynh nếu học sinh gặp rắc rối. Hơn nữa, quy trình tuyển chọn giáo viên nghiêm ngặt, mức đãi ngộ cao, thu nhập ổn định cũng góp phần tăng vị thế của giáo viên tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, giáo viên Nhật Bản phải chịu nhiều áp lực quá sức, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần. Dù vẫn là nghề nghiệp được mọi người kính trọng nhưng số lượng giáo viên xin nghỉ việc hoặc về hưu sớm tại quốc gia này đang tăng.
Thời gian làm việc dài, thường xuyên phải tăng ca, khối lượng công việc hành chính lớn, mức lương không theo kịp đà tăng của lạm phát... là những nguyên nhân khiến nhiều người không muốn theo đuổi nghề giáo. Ước tính, Nhật đang thiếu 2.800 vị trí giáo viên ở các trường tiểu học, THCS, THPT, tăng khoảng 30% so với năm ngoái.
Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, năm 2022, ước tính 202 trường hợp vi phạm quyền của giáo viên gây ra bởi phụ huynh hoặc người giám hộ của học sinh. Trong đó, 75 trường hợp chửi mắng và phỉ báng, 45 trường hợp can thiệp nhiều lần vào quá trình giáo dục, 25 trường hợp cản trở thi hành công vụ, 24 trường hợp có hành vi đe dọa và 14 trường hợp bạo lực thể chất đối với giáo viên.