Vượt qua "cơn bão" đại dịch COVID-19, trong năm qua, ngành y tế đã thực hiện đạt và vượt 13/16 chỉ tiêu của ngành trên các lĩnh vực. Nổi bật là tỉ lệ đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2021 - 2030 là 96% (chỉ tiêu là 60%). Số bác sĩ trên vạn dân tăng lên 11,5 bác sĩ so với chỉ tiêu 9,4 bác sĩ; số giường bệnh trên vạn dân là 31 giường bệnh so chỉ tiêu là 29,5; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 92,03%. Việt Nam được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ghi nhận đã chủ động, tích cực trong phòng chống và ứng phó với dịch bệnh, đóng góp vào các nỗ lực thúc đẩy y tế toàn cầu.
Tuy nhiên, ngành y tế đang "bị trọng thương". Những vướng mắc về pháp lý đối với việc mua sắm, đấu thầu, liên doanh, liên kết, quản lý, sử dụng tài sản công đang là vấn đề nóng. Những hạn chế về năng lực chuyên môn của hệ thống y tế do thiếu đội ngũ y, bác sĩ, trang thiết bị, vật tư y tế đang là "tình trạng bệnh lý" của ngành cần chẩn trị kịp thời.
Trong khi hệ thống y tế tư nhân như "những đứa con chưa đủ lớn" để đảm đương nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân thì hệ thống y tế công lập đang bị vướng víu bởi những quy định ràng buộc, chồng chéo trong việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; cơ chế tự chủ tài chính mang nặng tính hình thức.
Các bệnh viện công lập lớn, hạng đặc biệt từ trong Nam, ngoài Bắc, từ các cơ sở y tế hàng đầu như Bệnh viện Chợ Rẫy, Việt Đức, Bạch Mai đến y tế tỉnh, huyện đều đang kêu thiếu vật tư, y tế. Nhiều bệnh viện phải ngưng mổ xếp lịch để ưu tiên cấp cứu, chỉ xét nghiệm khi thật sự bức thiết do thiếu vật tư, hóa chất. Tình trạng "cấp cứu bệnh viện, cấp cứu cho cấp cứu" không còn cá biệt.
Điều cần làm hiện nay là phải minh bạch các thể chế, chính sách y tế. Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2024. Nhưng nếu các văn bản hướng dẫn dưới luật chậm ban hành và chưa có "cơ chế khẩn cấp" thì mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ.
Để gỡ khó cho y tế, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan cần "vào cuộc hết sức cấp thiết" để xây dựng, ban hành các thông tư, nghị định, giúp bệnh viện có hành lang pháp lý giải quyết khó khăn. Cần xem xét áp dụng "cơ chế hậu kiểm", trao quyền hạn gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định mua sắm.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai Kết luận số 26/TB-VPCP và hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các vướng mắc từ thực tiễn trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thí điểm triển khai một số cơ chế, chính sách bảo đảm thuốc, thiết bị y tế, chế phẩm, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán invitro, vật tư tiêu hao trước ngày 15-3.
"Hoa chính sách" cho ngành y nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 chính là việc nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc đang là điểm nóng của ngành; tiến tới xây dựng một nền y tế bền vững, hiện đại, phát huy y đức, y nhiệm sáng ngời của đội ngũ lương y như từ mẫu.