Khói rơm rạ thường có tính cay, gây chảy nước mắt, có thể là dị nguyên làm kích thích nhiều phản ứng ở họng, người tiếp xúc với khói sẽ bị: ho, hắt hơi, buồn nôn, thở khò khè hoặc có cảm giác ngạt thở...Nhiều người dân đi qua những đoạn đường có khói rơm rạ đều phải bịt khẩu trang kín mít.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (Phụng Thượng, Phúc Thọ) cho rằng: "Sau khi thu hoạch lúa, chúng tôi thường thu dọn gốc rạ, rơm trên đồng ruộng để phơi khô đốt lấy tro bón cho đất vừa giảm được công xử lý, đồng thời lại tiêu diệt được mầm mống dịch hại…".
Nhưng theo các nhà khoa học, đốt rơm rạ sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, tiêu diệt các loại thiên địch có ích, dẫn đến phát sinh nhiều bệnh dịch hại lúa.
Đốt rơm rạ ngay trên cánh đồng thành tro còn làm cho chất hữu cơ trong rơm rạ do nhiệt độ cao đều biến thành các chất vô cơ, làm cho đất ruộng bị chai cứng, mất đi chất dinh dưỡng thành phần còn sót lại trong tro chỉ là phốt pho, kali, canxi và silic... không giúp ích mấy cho cây trồng.
Hơn thế, khói rơm rạ từ nội thành bị gió thổi bay vào nội thành gây ô nhiễm bụi không khí. Đây cũng là một không những nguyên nhân khiến không khí ở Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng ở thời điểm này.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, rơm rạ tuy là phần thải ra từ cây lúa nhưng không phải là rác, nếu biết cách sử dụng thì rơm rạ sẽ mang đến cho người nông dân rất nhiều lợi ích.
Đem đốt sẽ làm lãng phí nguồn chất hữu cơ làm phân bón, 10 tấn rơm rạ nếu đem xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 400kg phân hữu cơ.
Ở một số nơi còn sử dụng máy gặt đập liên hợp, qua đó, rơm rạ sẽ được máy cắt nhỏ và rải trộn ngay trên ruộng đồng ngay trong quá trình gặt, sau một thời gian ngắn sẽ mục nát trở thành nguồn phân hữu cơ.
Việc người dân đốt rơm rạ đã xảy ra nhiều năm, lặp đi lặp lại vào mỗi vụ thu hoạch lúa, các cơ quan chức năng cũng đã đưa ra nhiều công văn, chỉ thị....nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để tình trạng này./.