Theo Viện quốc gia về lạm dụng rượu và nghiện rượu (Mỹ), rượu sẽ đi vào máu của bạn ngay khi bạn uống ngụm đầu tiên, và gây ra những tác động cho cơ thể rất nhanh, khoảng trong vòng 10 phút, thậm chí tác động này diễn ra ngay cả khi bạn chưa kịp cảm nhận.
Thời gian nồng độ cồn trong máu đạt đỉnh
Tờ Healthline cũng thông tin, rượu bia khi đi vào cơ thể, 20% lượng cồn sẽ được hấp thu vào máu qua dạ dày và 80% rượu còn lại được hấp thu vào máu từ ruột non. Khi vào máu, lượng cồn có trong rượu và bia sẽ được vận chuyển đi khắp cơ thể, gây ra các tác động khác nhau đến mạch máu, hệ thần kinh…
Nồng độ hấp thụ rượu bia sẽ đạt đỉnh sau khi uống khoảng 30 - 90 phút, tùy thuộc vào loại rượu bia, thể trạng và tình trạng dạ dày đói hay no. Đáng chú ý, khi bụng đói, thời gian để nồng độ cồn trong máu đạt đỉnh sẽ diễn ra nhanh chóng hơn, so với khi bụng no.
Ngoài ra, tùy vào từng loại rượu, bia mà nồng độ cồn sẽ khác nhau. Chẳng hạn bia có nồng độ cồn từ 3%- 8%, rượu vang khoảng 9% - 16%, rượu mạnh như sẽ có nồng độ cồn từ 20 % - 30%... Và độ cồn trong thức uống càng cao thì lượng hấp thụ vào máu càng tăng.
Lượng cồn hấp thụ vào máu sẽ đạt đỉnh sau khi uống từ 30 -90 phút và phải mất 2 - 3 giờ để gan đào thải hết 1 đơn vị cồn.
Mất 2 - 3 giờ để gan đào thải hết 1 đơn vị cồn
Dù vậy, khi cồn đi vào cơ thể đều có một điểm chung là chỉ có khoảng 5% lượng rượu, bia sẽ được bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu và hơi thở. 95% còn lại đều phải chờ gan chuyển hóa để loại bỏ chúng ta khỏi cơ thể.
Cùng với đó, tốc độ chuyển hóa rượu, bia của gan luôn ở mức ổn định. Theo lý thuyết, gan cần 1 giờ để dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường), quá trình này không đẩy nhanh hơn được. Và để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ nữa.
Điều này đồng nghĩa với việc, một người có sức khỏe bình thường sẽ cần 2 -3 giờ mới chuyển hóa được hết nồng độ cồn trong cơ thể. Với những người có chức năng gan yếu thì thời gian chuyển hóa hết cồn trong máu sẽ lâu hơn.
Healthline cũng chỉ rõ, một đơn vị cồn tương đương với 2/3 chai, lon bia 330 ml (nồng độ cồn 5%), một ly rượu vang 100 ml (nồng độ cồn 13,5%), một cốc bia hơi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (nồng độ cồn 40%).
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: Không có một ngưỡng uống an toàn nào đối với rượu, bia.
"Nếu phải uống rượu, bia, mọi người không nên uống quá 5 ngày/tuần, nam giới được khuyến nghị không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày (ước tính khoảng 1 – 1,5 lon bia, 2 ly rượu 40 độ…) và 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ"- PGS Thịnh khuyến nghị.