Bộ trưởng cho biết, nhiều quốc gia đã thực hiện bỏ giá trần để doanh nghiệp tự quyết định theo cung cầu thị trường. Tuy nhiên Luật Giá của chúng ta vẫn quy định giá trần đối với vé máy bay, khung trần đó do Bộ Giao thông Vận tải quy định. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bay hiện nay đang thực hiện đúng theo khung quy định, không vi phạm quy định của pháp luật về giá.
Trong 4 năm gần đây, do đại dịch, các chuyến bay ngưng trệ, lượng khách nội địa và nước ngoài đều hạn chế. Bước sang năm 2023 - 2024 thì kinh tế thế giới suy giảm, xung đột vũ trang xảy ra, lượng khách trong nước và khách quốc tế suy giảm đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống hàng không.
Để giảm chi phí đầu vào, tái cơ cấu hệ thống dịch vụ bay, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề quản trị và hạ giá thành là vấn đề doanh nghiệp tư nhân rất quan tâm. Với Vietnam Airlines, Bộ Tài chính cũng đã có các yêu cầu nhằm tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, đảm bảo được hiệu quả kinh doanh.
Không ép lên, xuống giá xăng dầu
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cho rằng, vừa qua Nhà nước có nhiều biện pháp để kéo giảm giá xăng dầu nhưng hiện nay mức giá còn cao, một phần do còn nhiều loại thuế phí, tỷ lệ cao như phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về…
Đại biểu thắc mắc các loại chi phí này được tính thế nào và giá có theo sát tình hình thực tiễn trong bối cảnh hiện nay không? Đồng thời đại biểu muốn Bộ trưởng nói về giải pháp giảm bớt các loại thuế, phí trong giá xăng dầu để bình ổn giá.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ giá xăng dầu được xây dựng dựa trên những yếu tố: giá hàng mua từ nhà máy hay giá hàng mua từ nước ngoài cộng với các chi phí trung gian. Chi phí ban đầu hình thành chiếm từ khoảng độ 65% đến 77%, thuế các loại như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT hay thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu thì chiếm từ 15 cho đến 29%. Còn chi phí lợi nhuận định mức thì từ 1,2 đến 2%, chưa kể quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trong những năm vừa qua, để đảm bảo phí, đảm bảo giảm giá xăng dầu thì Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ và cho Quốc hội để giảm 50% thuế bảo vệ môi trường kéo dài từ năm 2021 cho đến hiện nay.
Chi phí định mức chiếm từ 7% đến 12% là chi phí vận chuyển sẽ do các doanh nghiệp đầu mối của nhập khẩu xăng dầu thống kê, có hợp đồng và hồ sơ gửi cho Bộ Công Thương. Bộ Công Thương sẽ tập hợp để xác định vào trong cơ cấu của giá xăng dầu. Sau khi thỏa thuận với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ công bố giá xăng dầu cơ sở, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ quy trình.
Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) cho biết, chi phí định mức, chi phí kinh doanh định mức của lợi nhuận định mức là một trong những yếu tố để cấu thành lên giá xăng dầu. Tuy nhiên nhiều cử tri phản ánh trong thời gian qua việc điều chỉnh thông báo của Bộ Tài chính chưa kịp thời dẫn đến giá xăng dầu được xác định là chưa phù hợp.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định quy trình để thực hiện chi phí này là các doanh nghiệp đầu mối sau 1 kỳ điều hành thì tập hợp các hồ sơ và các chi phí của mình để lên gửi cho Bộ Công Thương và gửi cho Bộ Tài chính.
"Với quy trình hiện nay, các Bộ chấp nhận các chi phí thực tế hợp lý của các doanh nghiệp đầu mối, chứ không phải các bộ ngành ép lên hay ép xuống", Bộ trưởng nói.
Trong khi đó, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, doanh nghiệp và người dân còn đang gặp rất nhiều khó khăn. 2024 cũng là năm có tính chất quan trọng trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội theo tinh thần nghị quyết đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13. Vì thế, cần có giải pháp đột phá hơn, nhất là các giải pháp giảm thuế, giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Trả lời chất vấn này, Bộ Trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thuế môi trường đã được giảm cả năm, tương đương giảm thu khoảng 42.000 tỷ đồng. Thuế VAT giảm 2%, từ 10% xuống 8%, tương đương giảm thu khoảng 24.000 tỷ.
Chúng ta phải tập trung gỡ các nút thắt khó khăn của nền kinh tế, gồm các nút thắt về pháp lý, về thủ tục đầu tư, về chất lượng sản phẩm, về tín dụng…chứ không phải là giảm thuế, giảm phí. Theo Bộ trưởng, giảm thuế phí tức là giảm sức mạnh của tài chính công. Giảm sức mạnh tài chính công trong khi chúng ta đang bội chi ngân sách thì sẽ không hiệu quả và sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.