Công bố kết quả thi chọn HS giỏi quốc gia THPT năm học 2024-2025, cả nước có thêm 2 trường THPT chuyên là tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.
Kết quả Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024-2025 được Bộ GD&ĐT công bố ngày 18/1.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024-2025 được tổ chức vào các ngày 25 và 26/12/2024. Cả nước có 6.482 thí sinh dự thi, tăng 663 thí sinh so với năm học 2023-2024.
Các thí sinh dự thi tại 68 Hội đồng thi với 13 môn thi: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp và Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nhật. Năm nay, lần đầu tiên môn tiếng Nhật được đưa vào dự thi.
Theo Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hiện hành, tổng số giải từ Khuyến khích trở lên không vượt quá 60% số thí sinh dự thi; tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải; số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải.
Kết quả, Hội đồng chấm thi đã chọn được 3.803 thí sinh đạt giải, chiếm 58,68% tổng số thí sinh dự thi. Năm học 2023-2024, số lượng thí sinh dự thi là 5.812 thí sinh, có 3.351 thí sinh đạt giải.
Kết quả chấm thi và xếp giải cho thấy, số học sinh đạt giải năm nay phủ đều ở hầu khắp các địa phương. Một số địa phương miền núi, biên giới, có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn cũng có học sinh đạt thứ hạng cao nhất trong kỳ thi.
Xét tổng số thí sinh đạt giải, Hà Nội dẫn đầu với 200 giải, TP.Hồ Chí Minh thứ hai với 166 giải, Hải Phòng xếp thứ 3 với 102 giải học sinh giỏi quốc gia.
Về tỷ lệ thí sinh đoạt giải, Bắc Ninh đứng đầu với số thí sinh có giải lên tới 81/86 em, tỷ lệ 94,19%.
Dù là tỉnh vùng khó, nhưng Lào Cai với 71 thí sinh đạt giải đã đứng vị trí thứ 4 cả nước về tổng số giải đạt được.
Theo Quy chế thi, trong vòng 15 ngày kể từ ngày công bố kết quả thí sinh được quyền đề nghị phúc khảo bài thi. Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cấp giấy chứng nhận cho học sinh đoạt giải, những học sinh còn lại cũng được ghi nhận bằng giấy chứng nhận đã tham dự kỳ thi.
Theo kế hoạch, tháng 3/2025, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức Kỳ thi chọn học sinh THPT vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2025, đối với các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Tin học.
Ngày 15/1, UBND TP.Hà Nội có các quyết định tổ chức lại Trường THPT Chu Văn An thành Trường THPT chuyên Chu Văn An, Trường THPT Sơn Tây trở thành Trường THPT chuyên Sơn Tây.
Đây là hai cơ sở giáo dục phổ thông công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong hệ thống các trường phổ thông của Hà Nội, được tổ chức và hoạt động tuân thủ các quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT đối với trường THPT chuyên theo quy định.
Trường chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện của sở GD&ĐT và các cơ quan khác có liên quan của Hà Nội.
Với quyết định mới đây, học sinh hệ không chuyên đang học ở 2 trường sẽ được duy trì tới khi tốt nghiệp. Nhưng các trường này sẽ không được tuyển mới học sinh hệ không chuyên.
Trước khi có quyết định trên, Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây là những trường THPT công lập bình thường nhưng có lớp chuyên.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc xây dựng hai trường Chu Văn An và Sơn Tây thành trường trung học phổ thông chuyên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu cho Thủ đô; đồng thời, thực hiện Thông tư số 05/2023/TT- BGDĐT của Bộ GD&ĐT về quy chế hoạt động của trường THPT chuyên.
Tuần qua đã có một số trường ĐH bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển kỳ tuyển sinh năm 2025.
Trong đó, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Kinh tế - Tài chính TP.HCM nhận hồ sơ từ 15/1, Trường ĐH FPT nhận hồ sơ xét tuyển từ 20/1.
Liên quan đến công tác tuyển sinh, chiều 18/1, kỳ thi đánh giá tư duy đợt 1 của ĐH Bách khoa Hà Nội chính thức diễn ra. Đợt thi này có khoảng 14.000 thí sinh dự thi, đây cũng là đợt thi khởi động cho mùa xét tuyển đại học năm 2025 trên cả nước.
Kỳ thi được tổ chức cùng thời gian tại 31 điểm thi, trong đó 18 điểm thi tại khu vực Hà Nội và 13 điểm thi ở các địa phương như: Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng.
Trước đó, ngày 15/1, ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh ĐH chính quy năm 2025 với một số điểm mới.
Cùng với ĐH Bách khoa Hà Nội, nhiều cơ sở giáo dục ĐH khác cũng công bố phương án tuyển sinh trong tuần qua.
Chiều 13/1, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Bộ năm 2025.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT Trịnh Thị Hoài Thu chủ trì hội nghị. Cùng dự có các Thứ trưởng: Phạm Ngọc Thưởng, Hoàng Minh Sơn, Nguyễn Thị Kim Chi; lãnh đạo các đơn vị; Chủ tịch các công đoàn cơ sở, công đoàn bộ phận và các đại biểu được bầu từ Hội nghị cấp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cấp cơ sở.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định: Năm 2024, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, toàn thể cơ quan Bộ GD&ĐT, từ lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị, đến các công chức, viên chức, người lao động đã hết sức nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao; thể hiện tinh thần sư phạm trong xử lý rất nhiều công việc. Mới đây, Bộ GD&ĐT đã cố gắng hoàn thành, ban hành một loạt các văn bản quy phạm pháp luật với tinh thần dũng cảm, bản lĩnh…
Có thể cảm nhận được trong năm 2024, ngành Giáo dục được quan tâm hơn, được đặt ở trí quan trọng hơn. Cả hai đột phá chiến lược về nhân lực chất lượng cao và khoa học - công nghệ, đều có vai trò quan trọng của ngành Giáo dục.
Năm 2025 được Bộ trưởng nhìn nhận có rất nhiều nhiệm vụ lớn, nặng nề, số lượng công việc ngày càng nhiều hơn, thách thức và đòi hỏi cao hơn. Trong đó có nhiệm vụ triển khai Chiến lược mới; thực hiện hàng loạt việc lớn của ngành, như về quy hoạch, sắp xếp, đẩy mạnh hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của toàn thể bộ máy…
Các công việc đòi hỏi toàn bộ hệ thống năng động hơn, nhanh hơn để có thể mở đường, dẫn dắt toàn ngành Giáo dục trong thời gian tới. Nếu quản lý nhà nước đổi mới chậm hơn những yêu cầu chung của ngành sẽ không chỉ không dẫn dắt được mà còn trở thành lực cản.
Nhấn mạnh một số việc quan trọng, Bộ trưởng nhắc tới đầu tiên là tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, nghiêm túc và bảo đảm tiến độ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ GD&ĐT; làm công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Chủ động các phương án tiếp nhận, sắp xếp, bố trí nhân sự các đơn vị phù hợp sau khi tiếp nhận các đơn vị từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, làm sao phát huy được đơn vị này và đổi mới được mảng giáo dục nghề nghiệp, kết nối được với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục đại học; tiếp nhận 2 ĐHQG về Bộ quản lý...
Thứ hai, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ có khối lượng công việc rất lớn trong năm 2025. Theo đó, nếu Luật Nhà giáo được thông qua, sẽ kéo theo việc phải xây dựng hàng loạt các nghị định, thông tư. Cùng với đó là thực hiện rà soát, điều chỉnh Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp; tiến hành nghiên cứu, xây dựng Luật Học tập suốt đời. Triển khai Kết luận số 91- KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng phát sinh một loạt các văn bản quy phạm pháp luật cần phải xây dựng.
Ngoài hai nội dung quan trọng trên, một số mảng công việc khác cũng được Bộ trưởng lưu ý, liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính và công nghệ thông tin...
Với khối lượng công việc rất lớn, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao, tập trung làm tốt các nhiệm vụ, trong đó đặt ra yêu cầu cao nhất với nhiệm vụ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ GD&ĐT và trực tiếp Bộ trưởng đã chia sẻ, trao đổi, giải đáp các ý kiến đề xuất của người lao động. Hội nghị cũng đã tiến hành bầu Ban Thanh tra nhân dân gồm 9 đồng chí và thông qua Nghị quyết Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Bộ năm 2025.