Xe tăng K2 của Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật ngày 25/5. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh và 75 năm thành lập quân đội Hàn Quốc., ngày 25/5, các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu tập trận bắn đạn thật mô phỏng một "cuộc tấn công toàn diện" từ Triều Tiên. Hai bên miêu tả đây là cuộc tập trận quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nhằm chứng tỏ tiềm lực quân sự "áp đảo" trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Theo hãng tin Yonhap, cuộc tập trận diễn ra tại trường bắn Seungjin ở Pocheon, cách thủ đô Seoul 52 km về phía Đông Bắc, với sự tham gia của khoảng 2.500 binh sĩ đến từ 71 đơn vị quân đội của Hàn Quốc và Mỹ cùng khoảng 600 khí tài quân sự. Các bài tập trong cuộc tập trận sẽ liên quan đến máy bay chiến đấu, xe tăng và lựu pháo. Dự kiến, Washington và Seoul sẽ tổ chức thêm 4 lần tập trận bắn đạn thật nữa từ nay đến giữa tháng 6.
"Cuộc tập trận đã thể hiện khả năng và sự sẵn sàng của quân đội để đáp trả mạnh mẽ các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên cũng như một cuộc tấn công tổng lực", Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, đồng thời cam kết duy trì "hòa bình thông qua sức mạnh áp đảo".
Trước đây, Hàn Quốc và Mỹ từng tiến hành một số cuộc tập trận bắn đạn thật, với lần gần nhất là vào năm 2017, với sự tham gia của hơn 2.000 binh sĩ từ 48 đơn vị quân đội của Hàn Quốc và Mỹ.
Tuần trước, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un đã thông qua những bước chuẩn bị cuối cùng cho việc phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của quốc gia này. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tái khẳng định nỗ lực chống lại các mối đe dọa từ Mỹ và Hàn Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng vệ tinh này sẽ giúp Bình Nhưỡng cải thiện khả năng giám sát, cho phép nước này tấn công các mục tiêu chính xác hơn trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Hình ảnh vệ tinh thương mại gần đây cho thấy tiến độ trên một bệ phóng mới ở trạm phóng vệ tinh của Triều Tiên, với hoạt động ở "mức độ khẩn cấp mới", rất có thể là để chuẩn bị cho vụ phóng sắp tới.
Những tháng gần đây, các lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận khác nhau, bao gồm diễn tập trên không và trên biển có sự tham gia của các máy bay ném bom B-1B của Mỹ.
Triều Tiên nhiều lần cảnh báo các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc làm ảnh hưởng đến an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và đẩy nhanh khu vực và đẩy nhanh khu vực này đến giai đoạn nguy cấp hơn.
Một tòa nhà bị hư hại do giao tranh giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Các Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) tại thủ đô Khartoum ngày 24/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 23/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết thế giới đang thất bại trong việc bảo vệ dân thường khi số người bị cuốn vào các cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo tăng vọt vào năm ngoái.
Năm 2022, LHQ thống kê số dân thường thiệt mạng đã tăng 53% so với năm trước, với gần 17.000 nạn nhân được ghi nhận trong 12 cuộc xung đột.
Viện dẫn những cái chết của người dân thường ở Ukraine và Sudan, các trường học bị phá hủy ở Ethiopia và thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng nước ở Syria, Tổng thư ký Guterres cảnh báo rằng "thế giới đang không tuân thủ các cam kết bảo vệ thường dân; các cam kết được ghi trong luật nhân đạo quốc tế”.
Ông Guterres cho biết nghiên cứu của LHQ ở các vùng chiến sự cho thấy 94% nạn nhân của "vũ khí và vật liệu gây nổ" ở các khu vực đông dân cư là dân thường vào năm ngoái, trong khi hơn 117 triệu người phải đối mặt với nạn đói cấp tính chủ yếu vì của chiến tranh và mất an ninh.
Chỉ riêng ở Ukraine, nơi xung đột đã kéo dài sang năm thứ hai, LHQ ghi nhận gần 8.000 thường dân thiệt mạng và hơn 12.500 người bị thương, mặc dù con số thực tế có thể cao hơn.
Trên toàn thế giới, số người tị nạn buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột, bạo lực, vi phạm nhân quyền và đàn áp đã lên tới 100 triệu người.
Cũng phát biểu trước LHQ ngày 23/5, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) nói với các thành viên rằng: “Khi chúng ta gặp nhau, vô số thường dân trong các cuộc xung đột trên khắp thế giới đang trải qua một địa ngục trần gian. Bất cứ lúc nào, tên lửa có thể phá hủy nhà cửa, trường học, phòng khám và mọi người trong đó. Bất kỳ tuần nào, họ có thể hết thức ăn hoặc thuốc men”.
Về phần mình, Chủ tịch luân phiên ICRC, Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset nhấn mạnh tất cả các bên tham gia xung đột cần phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế.
Ông nói xung đột là động lực chính của nạn đói. Ngày càng có nhiều người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, tập trung nhiều nhất ở các khu vực xung đột như Cộng hòa Dân chủ Congo, Sudan và Sahel, hoặc trong các bối cảnh khác nơi bạo lực phổ biến, chẳng hạn như Haiti.
Tổng thư ký LHQ khẳng định: "Đã đến lúc chúng ta thực hiện những cam kết bảo vệ dân thường".