Sự kiện giáo dục nổi bật nhất tuần qua là loạt hoạt động trong chương trình tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 diễn ra trong 2 ngày (25-26/12), tại Hà Nội.
Theo đó, sáng 25/12, đoàn học sinh báo công dâng Bác và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiều và tối cùng ngày, các em dâng hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sau đó tham dự chương trình Gala Gặp mặt - giao lưu tại Trường Đại học Anh quốc Việt Nam.
Sáng 26/12, Bộ GD&ĐT tổ chức chương trình Gặp mặt, tuyên dương, trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng quà tặng của các tổ chức, cá nhân cho học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022. Chiều 26/12, đoàn học sinh được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt, biểu dương tại Phủ Chủ tịch.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng thành công to lớn các em học sinh khi mang vinh quang về cho tổ quốc, cho nhà trường, cho gia đình. Chủ tịch nước khẳng định, thành tích đặc biệt xuất sắc các em có được hôm nay là cả quá trình nỗ lực, phấn đấu của các em, sự dạy dỗ của các thầy cô giáo, công lao của các bậc cha mẹ.
Nhắc lại thành tích đạt được của từng đoàn học sinh tham dự Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022, cũng như những học sinh giành thành tích vượt trội của từng đoàn, Chủ tịch nước đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương có chính sách quan tâm, phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài.
|
Ghi nhận công sức của thầy cô giáo đã dìu dắt, hỗ trợ, bồi dưỡng đoàn học sinh tham gia Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế, Chủ tịch nước mong muốn, các thầy, cô giáo hãy đi đầu, là nhân vật trung tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục, trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học; đồng thời là tấm gương sáng để học sinh noi theo.
Đảng, Nhà nước và xã hội tiếp tục quan tâm, khích lệ, tôn vinh các thầy cô giáo bằng nhiều hình thức thiết thực hơn để các thầy cô thêm yêu ngành, yêu nghề. Còn xã hội có nhận thức cao hơn về vai trò của giáo dục, của các thầy cô đối với tương lai thế hệ trẻ và tương lai đất nước.
Với các học sinh, đặc biệt là những em có thành tích cao, cần tiếp tục học tập với tinh thần “Thắng không kiêu, bại không nản”. Tiếp tục rèn luyện phẩm chất, đạo đức, các kỹ năng cần thiết để trở thành công dân ưu tú, công dân trách nhiệm, công dân toàn cầu, đóng góp xây dựng đất nước.
Chủ tịch nước nhìn nhận, chưa bao giờ đất nước chúng ta hội nhập sâu rộng và đứng trước sự cạnh tranh gay gắt như bây giờ. Cạnh tranh giữa các quốc gia, thực chất chính là cạnh tranh giữa nguồn nhân lực ở những quốc gia đó. Để có một tương lai tốt cho mình và cho đất nước, các em phải chuẩn bị cho mình những hành trang tri thức mà Việt Nam và thế giới đang và sẽ cần đến.
Năm 2022, Bộ GD&ĐT cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 38 lượt học sinh tham gia Olympic quốc tế. Kết quả, 100% học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải, gồm 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen (giải Khuyến khích). Các đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao.
Ảnh minh họa/ITN. |
Ngày 26/12, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1609/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030”.
Mục tiêu của Chương trình là phấn đấu đến năm 2025, đối với trẻ em, có ít nhất 20% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non. Trong đó, có 30% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi. Có ít nhất 50% các tỉnh tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.
Đến năm 2030, có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non. Trong đó, có 60% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi. Có ít nhất 80% các tỉnh tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.
Đối với giáo viên, mục tiêu đến năm 2025 bồi dưỡng 30% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ. Đến năm 2030, bồi dưỡng 60% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; phấn đấu bảo đảm định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định.
Đối với cơ sở giáo dục mầm non, đến năm 2030 phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của các địa phương; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới và phòng học mới do tăng quy mô...
Quyết định cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, bộ ngành liên quan trong tổ chức thực hiện hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2022 - 2030.
|
Tuần qua, Thanh tra Bộ GD&ĐT công bố đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 78 cơ sở giáo dục đại học có hành vi vi phạm trong công tác tuyển sinh đại học năm 2021.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, việc xử lý các cơ sở đào tạo tuyển sinh không đúng quy định là việc làm thường niên hằng năm của Bộ GD&ĐT.
Hằng năm, sau khi kết thúc thời hạn tuyển sinh theo quy định pháp luật, các cơ sở đào tạo rà soát và cập nhật dữ liệu lên hệ thống tuyển sinh của Bộ. Căn cứ kết quả cập nhật của cơ sở đào tạo, Vụ Giáo dục Đại học rà soát và tổng hợp kết quả báo cáo Lãnh đạo Bộ. Đối với các cơ sở đào tạo có dấu hiệu tuyển sinh không đúng quy định, Vụ Giáo dục Đại học tổng hợp danh sách kèm dấu hiệu gửi Thanh tra để xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Trước ý kiến cho rằng mức xử phạt tuyển vượt chỉ tiêu như hiện nay còn nhẹ, nên không có nhiều tác dụng răn đe đối với các trường, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho rằng, việc xử phạt hành vi vi phạm hành chính chủ yếu mang tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Do đó, Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về các hình thức xử phạt có các hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm hình thức xử phạt chính là Cảnh cáo và Phạt tiền và các hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Trục xuất.
Hình thức xử phạt quy định tại các điểm c, d Nghị định số 04/2021/NĐ-CP và Nghị định số 127/2021/NĐ-CP quy định ngoài hình thức xử phạt chính, mỗi hành vi vi phạm tùy theo tính chất mức độ còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Đây mới là những biện pháp răn đe và xử lý triệt để hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trao đổi tại hội thảo bàn về bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp. |
Ngày 27/12, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo bàn về bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp. GS.TS Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội thảo.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống học tập nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ học tập của mỗi cá nhân. Theo đó, giáo dục phải chú trọng vào chất lượng, có hệ thống thiết chế giáo dục, cơ chế chính sách đáp ứng tốt nhất những điều kiện và nhu cầu học tập của học sinh.
Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ GD&ĐT thống nhất với dự thảo bộ tiêu chí do Hội khuyến học Việt Nam đề xuất. Đồng thời, các đơn vị liên quan thuộc Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để báo cáo Chính phủ thống nhất xây dựng hệ thống xã hội học tập.
Ngày 28/12, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo dạy học nội dung quyền con người trong chương trình giáo dục bậc trung học, tiểu học.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, hiện nay, nội dung về quyền con người đã được đưa vào chương trình giáo dục của một số môn học như Đạo đức, Giáo dục công dân, thông qua các bài học thuộc mạch giáo dục pháp luật. Tuy đã đạt được một số kết quả quan trọng nhưng giáo dục quyền con người vẫn cần được tiếp tục tích hợp, lồng ghép vào chương trình giáo dục ở các lớp, bậc học khác nhau.
Tại hội thảo, đại diện các trường đại học, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT cùng tham luận, trao đổi, đề xuất các ý kiến liên quan đến tổ chức dạy học nội dung quyền con người trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục cấp THCS, THPT như chia sẻ phương pháp tích hợp; bất cập, khó khăn trong quá trình xây dựng, biên soạn nội dung; giải pháp hoàn thiện, nâng cao chất lượng giáo dục quyền con người…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì toạ đàm xây dựng Bộ chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công. |
Sáng 29/12, Bộ GD&ĐT tổ chức Toạ đàm xây dựng Bộ chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công.
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, năm 2013, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt Đề án “Xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công”, đây đồng thời là căn cứ thực tiễn, khoa học cho đề án hiện nay.
Đề án đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công được triển khai khi xây dựng hệ thống công cụ sẽ có tác động rất lớn. Do đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, thông tin kết quả đánh giá phải được công khai minh bạch, tác động đến hệ thống. Ban soạn thảo cần ghi nhận ý kiến góp ý từ các bên tham gia về xác định nội dung, mục đích đánh giá, lựa chọn mẫu, công cụ, phương thức triển khai, nhằm đem lại độ tin cậy, hiệu quả.
Trình bày báo cáo tại Toạ đàm, đại diện Ban soạn thảo nêu rõ các căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn; mục tiêu; nội dung Bộ chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân; phương pháp đo lường, phân tích số liệu…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì hội thảo về Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. |
Chiều 29/12, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo về Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì hội thảo.
Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được kỳ vọng sẽ là cơ chế quan trọng để đánh giá, ghi nhận nỗ lực và kết quả của các cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Giúp các cơ sở giáo dục đại học tự đánh giá các hoạt động khởi sáng tạo của đơn vị mình, qua đó, định hướng và triển khai tốt hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao uy tín, vị thế nhà trường…