Nóng tuần qua: Nạn nhân vụ rơi trực thăng ở vịnh Hạ Long được bồi thường bao nhiêu?

09/04/2023, 16:03
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong văn bản về việc báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm trực thăng gặp tai nạn ở vịnh Hạ Long, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị Tổng công ty Bảo hiểm PVI khẩn trương chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan và tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm bị thiệt hại về người và tài sản do vụ tai nạn gây ra.

Bộ Tài chính yêu cầu bảo hiểm tạm ứng bồi thường vụ tai nạn trực thăng

PVI và cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp đánh giá mức độ thiệt hại, xác định phạm vi bồi thường bảo hiểm và thực hiện thủ tục giải quyết tạm ứng bồi thường, bồi thường bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho người tham gia bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật. Đồng thời, báo cáo kết quả về Cục Quản lý giám sát bảo hiểm trước ngày 10/4/2023.

Trước đó, ngày 7/4, Tổng công ty Bảo hiểm PVI cho biết là nhà bảo hiểm gốc đứng tên trong liên danh bảo hiểm cho máy bay của Tổng Công ty trực thăng Việt Nam. Chương trình bảo hiểm gồm: Bảo hiểm thân máy bay, bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của hãng đối với hành khách và bên thứ ba, bảo hiểm tai nạn cho phi công.

Nóng tuần qua: Nạn nhân vụ rơi trực thăng ở vịnh Hạ Long được bồi thường bao nhiêu? - 1

Một chiếc trực thăng Bell-505 bay dịch vụ ngắm cảnh vịnh Hạ Long

Năm 2016, PVI bồi thường 3,5 triệu USD cho toàn bộ thân máy bay trực thăng gặp tai nạn ở Vũng Tàu.

Trước khi tai nạn xảy ra, có đơn vị lữ hành chào bán tour du lịch trực thăng ngắm Vịnh Hạ Long với mức cam kết bồi thường thiệt hại cho sự cố lên tới 30 triệu USD/sự vụ. Tuy nhiên, đơn vị này cho biết, không bán vé, không bán bảo hiểm cho nạn nhân vụ tai nạn. Vì vậy, đến nay chỉ duy nhất PVI đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân vụ tai nạn trực thăng vừa xảy ra.

Một doanh nghiệp đại gia ngành thủy sản bị ngân hàng kiện

Công ty CP Kinh doanh Thuỷ hải sản Sài Gòn (mã chứng khoán: APT) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Điều đáng quan tâm là tổng nợ phải trả của công ty cao gần gấp 9 lần tổng tài sản, lên đến gần 1.300 tỉ đồng.

Khoản nợ kếch xù trên chủ yếu là nợ gốc và lãi tại Sacombank đối với khoản vay từ hơn 10 năm trước.

Cụ thể, đầu năm 2009, công ty tiến hành vay ngân hàng Phương Nam (nay đã sáp nhập vào Sacombank) 103 tỉ đồng và 5.833 lượng vàng SJC (có trị giá trị quy đổi 103 tỉ đồng, tương đương 17,66 triệu đồng/lượng).

Khoản vay có kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn vào ngày 8-1-2010 nhưng tại thời điểm đó, công ty đã mất khả năng thanh toán. Đến nay, cả gốc lẫn lãi đều chưa trả được.

Vào tháng 5-2022, Sacombank đã khởi kiện công ty trên ra tòa yêu cầu thanh toán nợ.

Loại trừ khoản chi phí tài chính bao gồm lãi vay và đánh giá lại gốc của khoản vay theo biến động giá vàng thì hoạt động kinh doanh chính của công ty vẫn tạo ra một khoản lợi nhuận nhỏ. Nhưng với việc tài sản của công ty không còn nhiều thì khả năng thu hồi một phần gốc của Sacombank cũng khá khó khăn.

Gần 150.000 lao động mất việc trong 3 tháng, chủ yếu ngành dệt may

Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình lao động việc làm quý I. Theo đó, thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước, cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, số lao động mất việc, thiếu việc làm ở vùng Đông Nam Bộ, trong đó có TPHCM lại tăng lên. Điều này làm giảm đà phục hồi của thị trường lao động nói chung.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7 triệu đồng, tăng so với quý trước, tuy nhiên tốc độ tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của quý I/2022.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34.600 người so với quý trước. So với quý trước, số lao động nghỉ giãn việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng trong quý đầu năm giảm, trong khi đó số lao động mất việc tăng lên.

Quý I năm nay, cả nước có gần 150.000 lao động bị mất việc. Trong đó, tập trung đa số (55,2%) ở các lao động thuộc các ngành dệt may. Nhóm da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử chiếm tỷ trọng tương ứng là 19,5%; 18,6% và 17%.

Lao động mất việc tập trung ở các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai khoảng gần 32.600 người, Bình Dương gần 22.000 người), Bắc Ninh 14.000 người, Bắc Giang khoảng 7.700 người…

Hàng loạt ngân hàng điều chỉnh mạnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm vừa được các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm mạnh.

Lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng đã giảm về mức quy định của NHNN là 0,5%/năm. Thậm chí nhiều ngân hàng còn giảm sâu xuống còn 0,1 – 0,2%/năm.

Tại kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất tối đa cũng được các ngân hàng giảm về mức 5,5%/năm. Thậm chí nhiều ngân hàng còn giảm về mức 5,2%. Thấp nhất nhóm tư nhân là SHB và Ngân hàng Bản Việt khi chỉ còn lãi suất 3%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và 4-4,5%/năm cho kỳ hạn 4 và 5 tháng.

Nóng tuần qua: Nạn nhân vụ rơi trực thăng ở vịnh Hạ Long được bồi thường bao nhiêu? - 2

SHB trở thành ngân hàng có lãi suất tiết kiệm thuộc diện thấp nhất thị trường ở nhiều kỳ hạn

Hầu hết các ngân hàng cũng giảm lãi suất huy động cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên với mức giảm dao động chủ yếu trong khoảng 0,2 – 0,6 điểm % so với biểu lãi suất trước đó.

Tại kỳ hạn 12 tháng, do các ngân hàng cũng điều chỉnh giảm mạnh lãi tiết kiệm khi mức lãi trên 9%/năm gần như đã hoàn toàn biến mất khỏi thị trường.

Như vậy, so với mức đỉnh điểm ghi nhận hồi giữa tháng 1/2023, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5 – 1,5% ở tất cả  kỳ hạn. Các đợt giảm mạnh nhất của lãi suất tiết kiệm diễn ra sau 2 lần giảm lãi suất điều hành của NHNN vào ngày 15/3 và 3/4.

Gói tín dụng 120.000 tỷ chính thức triển khai: Ai được vay với lãi suất 8,2%/năm?

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa chính thức có công văn chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Theo đó, đối tượng vay vốn là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định.

Khách hàng phải đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng; đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.

Mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này 01 lần để mua 01 căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định, mỗi dự án của Chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại hương trình này 01 lần.

Thời hạn giải ngân của chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng, nhưng không quá ngày 31/12/2030. Thời gian ưu đãi đối với chủ đầu tư là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu, đối với người mua nhà là 5 năm.

Lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với Chủ đầu tư là 8,7%/năm. Lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với Người mua nhà là 8,2%/năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nóng tuần qua: Nạn nhân vụ rơi trực thăng ở vịnh Hạ Long được bồi thường bao nhiêu?