Gương sáng

Nữ giám đốc có 12 chiếc đinh trong chân, biến đất nghèo 'nở hoa'

PV 18/04/2025 11:31

Từ người từng lang thang khắp Hà Nội bán tăm kiếm sống qua ngày, chị Trần Thị Thuần trở thành giám đốc của một hợp tác xã với khát vọng 'người khuyết tật không phải trải qua cảnh xin việc nhiều nỗi đau như mình'.

Ngày từ H.Sóc Sơn về TP. Hà Nội xin việc, chị Trần Thị Thuần (42 tuổi, xã Đông Xuân) bị nhiều công ty từ chối đến mức bật khóc vì tủi thân. Nhìn người phụ nữ chỉ cao 1,39 m, nặng chưa đến 40 kg, họ bảo chị "chưa lết nổi xác mình còn đòi làm việc gì?".

screen-shot-2025-04-18-at-10.52.00.png
Chị Trần Thị Thuần, Giám đốc HTX Tâm Ngọc (ẢNH: MINH NHÂN)

Hôn nhân đổ vỡ, chồng bỏ đi để lại 2 đứa con nhỏ, chị không cho phép bản thân gục ngã, tiếp tục chống gậy đi xin việc khắp đường phố Hà Nội.

Nhiều năm sau, chị bước ra từ một nhà xưởng gắn tấm biển "Hợp tác xã Tâm Ngọc" với tư cách giám đốc, chống chiếc gậy "sẽ đi theo mình cả đời".

Bước chân đầu đời năm 10 tuổi

Trận sốt bại liệt hơn 40 năm trước đã biến chị Thuần trở thành người khuyết tật. Nhìn những đứa trẻ bằng tuổi con gái chập chững bước đi, ông Trần Văn Đào (65 tuổi) quyết tâm dồn hết tiền của trong nhà, bắt đầu hành trình tìm lại đôi chân cho chị Thuần.

Đôi vợ chồng nông dân bế con đến các bệnh viện lớn nhỏ thăm khám. Chị Thuần lớn lên với những chiếc kim châm cứu kín người không đếm xuể. Nhìn con gái bầm tím toàn thân, ông Đào xót xa, nhưng nén nước mắt động viên vợ "còn nước còn tát".

screen-shot-2025-04-18-at-10.52.06.png
Chị Trần Thị Thuần bị liệt hoàn toàn chân trái, phải chống gậy đi lại (ẢNH: MINH NHÂN)

Trong 10 năm đầu đời, Thuần không thể đi lại như người bình thường, tuổi thơ gắn chặt với những bức tường, ngồi nhà nhìn bạn bè đồng trang lứa chạy nhảy. Đứa trẻ học cách bò, dùng hết sức kéo lê người, được một đoạn lại thở dốc.

Thuần chỉ ở nhà, phụ giúp gia đình một số công việc lặt vặt như nấu cơm, nấu cám lợn. Năm 10 tuổi, trong một lần từ bếp ra phòng khách, bé gái bám tường, mon men đứng dậy. Trong khoảnh khắc đó, Thuần đã có thể đứng thẳng, sải những bước chân đầu đời.

Nghe tin, ông Đào bỏ dở đồng áng, tìm một bụi tre chặt cây về làm gậy cho con gái. "Là một người cha, tôi xúc động khi chứng kiến đứa con tội nghiệp có thể đứng thẳng và bước đi", ông nhớ lại.

Thuần tập đứng, rồi ngã, cứ thế nhiều lần không biết mệt. Mỗi lần ngã là mỗi lần quyết tâm bước đi trên chính đôi chân của mình.

Ngày cô giáo đến nhà xin vợ chồng ông Đào cho Thuần được đến trường, nhìn thấy khát vọng ẩn sâu trong đôi mắt con gái, người cha đồng ý. Từ đó, bé gái 10 tuổi bắt đầu vào lớp 1, tiếp cận những con chữ, mặt số đầu tiên.

Từ người bán tăm dạo đến giám đốc

Hết lớp 9, Thuần xin nghỉ học dù đỗ cấp 3. Năm 19 tuổi, chị kết hôn với người đàn ông hơn 5 tuổi, lần lượt sinh 2 con trai. Trong quá trình chung sống với chị, chồng nhiều lần bỏ nhà đi không rõ lý do.

screen-shot-2025-04-18-at-10.52.10.png
Từ người bán tăm dạo, chị Thuần trở thành giám đốc hợp tác có có 46 thành viên (ẢNH: MINH NHÂN)

Tình trạng này kéo dài vài năm, cứ nghe tin chồng ở đâu, chị lại đến tìm, sợ anh bị người ta "bắt nợ". Nhận cuộc điện thoại bất ngờ báo tin chồng đang ở Bắc Ninh, chị vội đi xe máy, hoảng loạn đâm vào cột mốc ngã xuống đường, chân trái vốn bại liệt bị chiếc xe đè trúng.

Chị Thuần được đưa đến Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cấp cứu, mổ nẹp vít 12 chiếc đinh cố định. Nghe tin vợ gặp nạn, người chồng trở về, túc trực bệnh viện suốt 7 ngày. Lúc xuất viện, anh theo chị về lại Sóc Sơn, trong căn nhà mà ngày trước anh đã rời đi.

Đến ngày thứ 3, chị Thuần đưa 50.000 đồng, dặn chồng đi chợ và đón con. Một tiếng sau, 2 đứa trẻ dắt díu nhau về nhà sau giờ học, chị hỏi "bố đâu?", chúng chỉ lắc đầu.

Dù vết mổ chưa lành, chị lê đôi chân nặng trĩu xuống nhà, nhìn thấy tủ quần áo trống hoác. Người chồng đã dọn đồ, âm thầm rời đi lúc nào không hay, lấy luôn cả chiếc xe máy của chị.

"Tôi từng nghĩ bản thân bị tai nạn biết đâu là cơ hội có thể níu kéo, nhưng anh vẫn bỏ 3 mẹ con. Lần này anh đi hẳn và tôi không còn muốn đi tìm anh nữa", người vợ thất vọng nói.

Chồng bỏ đi, cơ thể bệnh tật, lại ôm một khoản nợ lớn sau ca phẫu thuật, chị Thuần đau khổ thử chết nhiều lần. Nhìn 2 đứa con lẽo đẽo theo mẹ, chị suy nghĩ lại, xem con cái là động lực để sống lay lắt qua ngày.

Bị từ chối xin việc nhiều lần, chị nhờ một người bạn lên mạng đặt mua tăm. Mỗi ngày, chị rời nhà từ sớm, bắt xe buýt về Hà Nội đi bán tăm dạo.

Cuộc đời chỉ đỡ nhọc nhằn hơn khi Thuần được một "ân nhân" giới thiệu vào làm công ty điện tử. Thoát cảnh đi bán tăm, ngoài thời gian làm việc, chị bắt đầu nghiên cứu thảo dược, trồng hoa. Đây chính là tiền đề cho bước ngoặt lớn sau này của nữ công nhân.

Trong một lần tham gia "Ngày hội ý tưởng khởi nghiệp trong nông nghiệp dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ khuyết tật" do một cựu sinh viên Úc tổ chức, chị đã trình bày dự án "Chuyên trồng và chế biến cây dược liệu" trên cơ sở những cây trồng của làng mình.

Ý tưởng được đánh giá cao, nhưng để biến những thứ trên giấy thành hiện thực lại không hề đơn giản, ngay cả với những người bình thường.

Hằng ngày, chị Thuần vẫn cặm cụi làm việc ở công ty điện tử, tranh thủ ngày cuối tuần cho đam mê. Trên những thửa đất bỏ không của các gia đình, chị và mọi người trồng cà gai, đinh lăng, cam thảo đất, bông mã đề, diệp hạ châu, hoa nhài...

Năm 2019, chị Thuần "liều lĩnh" cùng 6 người khác thành lập Hợp tác xã (HTX) Tâm Ngọc, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, chuyên gieo trồng và chế biến cây dược liệu thành dạng trà túi lọc.

"Tôi muốn người khuyết tật không phải trải qua cảnh đi xin việc gặp nhiều nỗi đau như mình. Tôi muốn tạo ra một công việc mà những người khuyết tật có thể làm cùng nhau, tự chủ kinh tế và giảm bớt gánh nặng cho gia đình", chị nói.

Từ 7 người đầu tiên, sau 5 năm, HTX Tâm Ngọc đã mở rộng lên 46 thành viên, trong đó 41 người khuyết tật với các dạng: khiếm thị, câm điếc… Chị chia các thành viên thành 2 nhóm lao động: khuyết tật trí não và khuyết tật vận động để phân chia công việc phù hợp và phát huy được thế mạnh của từng nhóm.

"Ngày đầu đến với tôi, không anh chị em nào nhận lương. Chúng tôi cùng nhau vượt qua 2 năm đầu tiên không lợi nhuận đầy khó khăn và thử thách", nữ giám đốc nói.

"In dấu tròn trên đồng đất, để đất nở hoa"

Là một thành viên nhiệt tình của Hội người khuyết tật xã Đông Xuân và H.Sóc Sơn, chị Thuần thường tham gia các hoạt động gây quỹ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Trong một lần giao lưu văn nghệ cuối năm 2014, chị quen anh Nguyễn Công Hòa (52 tuổi).

screen-shot-2025-04-18-at-10.52.16.png
Ngoài công việc tài xế taxi, anh Hòa cũng tranh thủ giúp vợ công việc ở hợp tác xã (ẢNH: MINH NHÂN)

Thấy người đàn ông lành lặn thường xuyên làm tình nguyện viên của hội, người phụ nữ dần có cảm tình. Biết anh cũng từng đổ vỡ hôn nhân, chị càng thấu hiểu và chia sẻ, nhưng không vội tiến đến do còn tổn thương từ cuộc hôn nhân trước.

"Anh Hòa nhiệt tình, sống tình cảm, thường bê đồ giúp hội, hỗ trợ các bạn khuyết tật", chị nói.

Khi cơ duyên một lần nữa "gõ cửa trái tim", chị Thuần biết đã đến lúc nắm lấy. Cặp đôi quyết định ra mắt hai bên gia đình, chuyển về sống chung, một năm sau chào đón con gái.

Anh Hòa là tài xế taxi, cũng tranh thủ giúp vợ công việc ở HTX. Mỗi ngày, chị Thuần vẫn luôn chân luôn tay, chiếc gậy chị chống đều đặn "in dấu tròn trên đồng đất, để đất nở hoa".

Nữ giám đốc ấp ủ đưa sản phẩm của HTX lên tầm cao mới hướng đến xuất khẩu, tiếp cận công nghệ thông tin bán hàng trên các sàn thương mại điện tử…

"Tôi muốn chứng minh người khuyết tật có thể làm mọi thứ nếu họ cố gắng, đam mê và có sự hỗ trợ từ cộng đồng", chị nói.

screen-shot-2025-04-18-at-10.52.20.png
Chị Thuần hy vọng xã hội sẽ đón nhận và coi trọng giá trị sản phẩm do người khuyết tật tạo ra (ẢNH: MINH NHÂN)

Chị Thuần không muốn xã hội mua sản phẩm của người khuyết tật chỉ vì lòng thương hại rồi vứt đi hoặc chỉ dùng một lần. Chị muốn xã hội đón nhận và coi trọng giá trị thực sự các sản phẩm của người khuyết tật.

Đến nay, 12 ha đất của HTX đã được phủ gần kín cây ăn quả và dược liệu. HTX còn có một khu xưởng chế biến, 3 cơ sở spa và một cơ sở in ấn, tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật, với mức lương từ 2,5 - 8 triệu đồng/tháng.

Từ một cá nhân nhỏ bé, một HTX nhỏ bé, đã góp phần thay đổi cuộc sống của rất nhiều người, đúng với tiêu chí: "Sức mạnh không đến từ thể chất mà đến từ ý chí bất khuất của chúng ta".

Theo https://thanhnien.vn/nu-giam-doc-co-12-chiec-dinh-trong-chan-bie
https://thanhnien.vn/nu-giam-doc-co-12-chiec-dinh-trong-chan-bien-dat-ngheo-no-hoa-185250417193858372.htm
Copy Link
https://thanhnien.vn/nu-giam-doc-co-12-chiec-dinh-trong-chan-bien-dat-ngheo-no-hoa-185250417193858372.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nữ giám đốc có 12 chiếc đinh trong chân, biến đất nghèo 'nở hoa'