Nữ giáo viên người Mông và hành trình ‘rèn’ phát âm cho trẻ

17/08/2022, 09:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô Sung Thị Pa Nhia - giáo viên Trường Tiểu học Pù Nhi (Mường Lát, Thanh Hóa), luôn trăn trở và tìm ra phương pháp ‘rèn’ phát âm cho học sinh.

Rời đỉnh Xía Nọi theo đuổi ước mơ

Sinh ra trong một gia đình có 5 chị em ở bản Xía Nọi, xã Sơn Thuỷ huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa), Sung Thị Pa Nhia quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo. Mặc dù, bố mẹ sinh đông con, nhưng gia đình người Mông ấy đã lo cho cả 5 chị em ăn học đàng hoàng.

Tâm sự với chúng tôi, cô giáo Sung Thị Pa Nhia, bảo: “Bố mẹ sinh được 5 chị em gái, trong đó tôi là chị cả. Hiện, tôi có 1 em gái cũng đang công tác trong ngành Giáo dục; 1 em công tác trong ngành Công an; 1 em đang là sinh viên Khoa Sư phạm Mầm non, Trường Đại học Vinh và em út đang học cấp 3”.

Từ khi còn nhỏ, nhìn thầy, cô đứng trên bục giảng, Pa Nhia đã mơ ước sau này được làm cô giáo, được về bản dạy học. Có ước mơ như vậy, nên học xong cấp 3, Pa Nhia đã thi đỗ vào Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Tháng 11/2013, Pa Nhia được tuyển dụng vào ngành Giáo dục, được phân công về Trường Tiểu học Mường Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) dạy học.

Nữ giáo viên người Mông và hành trình ‘rèn’ phát âm cho trẻ ảnh 1
Cô giáo Sung Thị Pa Nhia và học sinh của mình.

Ở Mường Lý lúc bấy giờ, là địa phương khó khăn nhất của huyện Mường Lát. Đường đi, lối lại rất khó khăn, không có điện sáng, không sóng điện thoại... Cuộc sống của đồng bào ở Mường Lý vô cùng khó khăn, cơ cực. Thế nhưng, cô Nhia nghĩ rằng, được đứng trên bục giảng, có cơ hội làm “người chèo đò đưa con chữ qua sông”, là hạnh phúc và may mắn.

Tuy nhiên, do điều kiện về kinh tế rất khó khăn, nên con em đồng bào ở Mường Lý cũng hạn chế về các kỹ năng sống, nhiều em nhỏ không muốn đến trường học chữ. Làm thế nào để vận động các em đến lớp, theo đuổi con chữ đều đặn? Đó là nỗi trăn trở lớn nhất của cô giáo Nhia.

Bằng tình yêu thương học trò, cô Nhia luôn đồng cảm với HS. Cô luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức với bạn bè, đồng nghiệp để có thể mang đến cho HS của mình những bài học hay và ý nghĩa.

Có những em do hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học giữa chừng để giúp đỡ cha mẹ, vì thế cô Nhia đã đi vận động phụ huynh động viên cho con đến lớp. Thời gian cứ thế trôi qua, một cô giáo trẻ ngày nào đã hòa mình với bản làng, được bà con tin tưởng, quý mến. Cô Pa Nhia cảm thấy tự hào, vì đã cùng đồng nghiệp bám lớp, bám trường, bám khó khăn, vất vả để dìu dắt nhiều thế hệ HS trưởng thành ở nơi đây.

Nữ giáo viên người Mông và hành trình ‘rèn’ phát âm cho trẻ ảnh 2
Nữ giáo viên người Mông - Sung Thị Pa Nhia và học sinh Trường Tiểu học Pù Nhi (Mường Lát, Thanh Hóa).

Tháng 12/2018, cô giáo Pa Nhia được điều chuyển công tác về Trường Tiểu học Pù Nhi. Về công tác ở đơn vị mới, cô Pa Nhia được lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp giúp đỡ nhiệt tình để quen với môi trường mới, HS mới. Vì thế, cô Pa Nhia tự nhủ lòng và coi mái trường là ngôi nhà thứ hai của mình.

Tìm phương pháp ‘rèn’ phát âm cho học sinh

Trường Tiểu học Pù Nhi là một trong những ngôi trường thuộc địa bàn khó khăn của huyện Mường Lát, và có tới 7 điểm trường lẻ. Trong đó, Pù Ngùa là điểm trường cách xa trường chính hơn 5km. Cô Nhia được nhà trường phân công về dạy ở điểm trường này, với 100% HS là người Mông.

Trong quá trình dạy học tại Pù Ngùa, cô giáo Nhia thấy rất nhiều HS phát âm sai, nói ngọng, đọc chưa đúng do ảnh hưởng của tiếng bản địa. Với bản thân là người Mông, và chính cô cũng đã từng mắc phải những lỗi này, nên cô Nhia luôn trăn trở để tìm ra những biện pháp áp dụng cho từng HS, giúp các em phát âm, cách đọc cho đúng. Điều đáng mừng là, từ phương pháp của cô giáo Nhia, HS ở điểm trường Pù Ngùa đã tiến bộ lên từng ngày.

Theo cô Nhia, nguyên nhân chính dẫn đến việc HS đọc chưa đúng, là do sự bất đồng về ngôn ngữ. Việc phát âm của HS dân tộc Mông thường phát âm theo âm gió, phát âm giống phát âm tiếng Anh.

Nữ giáo viên người Mông và hành trình ‘rèn’ phát âm cho trẻ ảnh 3
Học sinh Trường Tiểu học Pù Nhi đang tập phát âm chuẩn tại lớp.

Bên cạnh đó, khi đến trường, các em mới bắt đầu tiếp xúc, làm quen, học tập bằng một ngôn ngữ hoàn toàn mới, đó là tiếng Việt. Trong khi đó, các em không có thời gian để học nói tiếng Việt trước, cũng không có điều kiện tiếp xúc để mọi người xung quanh dạy các em nói một cách tự nhiên như HS người Kinh.

“Các em phải học đồng thời cả ngôn ngữ nói và viết. Phải làm quen với một hệ thống ngữ âm không hoàn toàn giống với tiếng mẹ đẻ. Cần dạy cho các em phát âm đúng ngay từ khi học âm vần tiếng Việt... Vì vậy, sau khi tìm hiểu nguyên nhân, điều kiện hoàn cảnh gia đình từng HS, tôi đã phân loại được các nhóm như sau: Nhóm HS đọc chưa đúng và nhóm HS đọc đúng nhưng còn chậm. Từ đó, mình hướng dẫn các em ‘rèn’ kỹ năng phát âm”, cô Pa Nhia chia sẻ.

Cô Pa Nhia cho hay: Đối với nhóm HS đọc chưa đúng, thì tập trung sửa lỗi phát âm cho từng em bắt đầu từ cách đọc âm, cách đọc đánh vần, đọc thành tiếng sao cho đúng nhất.

Cô Nhia lấy ví dụ: “Khi đọc từ “Cảm ơn”, thì tiếng “cảm” có âm cuối là âm “m” các em thường đọc là “Cả ơn” tức là bỏ đi âm “m”. Trong trường hợp này, tôi hướng dẫn các em đọc lại bằng cách nhìn miệng cô giáo đọc mẫu rồi đọc theo. Tôi hướng dẫn thêm cho các em học cách phát âm tiếng có âm “m” là khép môi lại, rồi đẩy hơi kèm tiếng ra, thì tiếng có âm “m” sẽ rõ ràng.

Học sinh hay phát âm lẫn lộn giữa chữ L/ N, Ch/Tr và phần lớn các em không ý thức được mình đang phát âm của âm nào. Để sửa lỗi phát âm cho HS, tôi hướng dẫn các em quan sát, tự kiểm tra xem mình đang phát âm của âm nào: chữ N là một âm mũi, khi phát âm, sờ tay vào mũi sẽ thấy mũi rung, còn khi phát âm chữ L, mũi không rung.

Tôi thường xuyên kiểm tra các dấu thanh đối với những em hay quên, vì muốn đọc thành tiếng chuẩn, đúng thì cần phát âm đúng các âm, vần và các dấu thanh.

Sau khi rèn cách phát âm cho HS, tôi cho các em đọc từng tiếng, từng câu, từng đoạn. Nếu các em đọc sai chỗ nào, thì yêu cầu đọc lại cho đúng rồi mới đọc tiếp”.

Nữ giáo viên người Mông và hành trình ‘rèn’ phát âm cho trẻ ảnh 4
Cô giáo Sung Thị Pa Nhia tại điểm trường lẻ ở bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hóa).

Đối với nhóm HS đọc đúng nhưng đọc còn chậm, cô Pa Nhia thường đọc mẫu hoặc cho một bạn đọc tốt trong lớp đọc mẫu. Sau đó, yêu cầu các em đọc thầm theo, tay cầm bút chỉ từng chữ một theo lời bạn đọc để luyện kỹ năng nhìn nhanh con chữ. Bên cạnh đó, hướng dẫn các em đọc nhanh bằng cách đọc thầm, đọc nhẩm thật nhanh, sau đó đọc to, rõ ràng với tốc độ nhanh hơn lúc đọc thầm, đọc nhẩm.

“Theo chuẩn kiến thức kỹ năng về tốc độ đọc của lớp 3 là 70 tiếng/phút, thì tôi tập dần cho các em chỉ đọc khoảng 50-60 tiếng/phút, để các em quen dần với tốc độ của việc đọc nhanh. Sau khi các em đạt được tốc độ đọc như vậy, tôi sẽ tăng dần tốc độ đọc lên 70 tiếng/phút”, cô Pa Nhia tâm sự.

Bên cạnh hai giải pháp này, cô Pa Nhia thường tăng cường tiếng Việt cho HS, nhằm mục đích cung cấp thêm vốn từ tiếng Việt. Đồng thời, rèn cho các em tích cực thực hành giao tiếp bằng tiếng Việt, để làm giàu vốn từ.

“Bản thân tôi là người Mông, các em cũng là con em người Mông, nhưng phải hạn chế giao tiếp ở trên lớp bằng tiếng Mông. Có như vậy, mới tạo được cho HS thói quen sử dụng tiếng phổ thông, từ đó giúp các em có vốn từ, để học tốt hơn”, cô Nhia chia sẻ.

"Cô Sung Thị Pa Nhia là một giáo viên năng nổ, hoạt bát, tâm huyết với nghề và yêu thương học sinh hết mực. Trong hoạt động nghiệp vụ, cô Pa Nhia là một giáo viên giỏi, có nhiều sáng kiến, đặc biệt là “rèn” âm cho học sinh. Bởi, khi các em phát âm sai, thì sẽ dẫn đến viết cũng sai, nên cô Nhia luôn tìm tòi, sáng tạo phương pháp giảng dạy cho học sinh đọc chuẩn âm, viết chuẩn chính tả. Năm học 2020-2021, cô Sung Thị Pa Nhia đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh và được Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa khen thưởng", bà Ngô Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pù Nhi cho biết.

Bài liên quan
Bật cười với màn bóc phốt cô giáo Minh Thu phát âm tiếng Anh sai
Phát âm từ “Please” thành “Police”, cô giáo Minh Thu bị một hot Tiktoker bóc phốt: “Cô đang gọi cảnh sát sao?”.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nữ giáo viên người Mông và hành trình ‘rèn’ phát âm cho trẻ