Cô gái Mông 'kể chuyện' trang phục dân tộc

Trần Hoà | 05/08/2022, 08:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với hơn 4 nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội, dự án tái hiện trang phục các nhóm dân tộc Mông ngày càng được nhiều người biết tới.

Đặc biệt là bộ trang phục tổng hòa chất liệu của nhiều sắc tộc Mông. Trong đó, có thể kể đến áo khoác của người Mông ở Sapa, chân váy và phụ kiện bạc của người Miêu, yếm được lấy cảm hứng từ nhiều nhóm người Mông và bộ móng được lên ý tưởng từ một số hoa văn của người Mông Trắng, Mông Xanh ở Lào và Thái Lan.

Cô gái Mông 'kể chuyện' trang phục dân tộc  ảnh 1

Đưa trang phục H’Mông “xuống phố”

Trang phục Mông được ví như đóa kỳ hoa trên vải. Nổi bật trong mắt người đối diện chính là các họa tiết, đặc biệt là họa tiết sáp ong. Công đoạn chính để tạo nên họa tiết này là vẽ sáp bằng cách chấm bút vào sáp ong nóng, khéo léo kẻ những đường thẳng trên vải.

Để dự án được hoàn chỉnh, Chấu Thị Nung đã trải qua hành trình khá dài và nhiều khó khăn. Chị chia sẻ rằng, bản thân đã phải dồn hết kinh phí để mua những bộ trang phục thổ cẩm.

Tuy nhiên điều đó không quan trọng, bởi chị khao khát đưa đến với công chúng bộ trang phục đẹp nhất của người Mông xưa. Đồng thời, đưa ra những đối sánh trong sự thay đổi của trang phục xưa – nay, để có sự trân trọng với quá khứ.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương vào năm 2016, Nung vào TPHCM để bắt đầu theo đuổi đam mê nghệ thuật. Hiện, công việc chính của Nung là vẽ áo dài và bán những mặt hàng thổ cẩm qua mạng.

Hai năm trước, Nung tình cờ bắt gặp một tấm ảnh đen trắng về trang phục của người dân tộc Mông những năm 1920. Vốn yêu thích thêu thùa cùng với tình yêu văn hóa truyền thống dân tộc mình, chị bắt đầu nghiên cứu tư liệu, kết hợp tìm nguồn sưu tầm những bộ áo, váy, phụ kiện… của người Mông xưa và nay.

Dù là người Mông, am tường mọi nét văn hóa dân tộc mình. Nhưng để tạo nên một dự án thực sự mang tính cộng đồng, Nung đã chủ động kết nối với những người dân ở địa phương, để hiểu hơn về nhóm dân tộc đó thông qua sự chia sẻ tỉ mỉ của người trong cuộc.

Điều đó đã giúp Nung hiểu cặn kẽ hơn về sự giống và khác nhau trên cùng một bộ trang phục. Chẳng hạn, trang phục Mông Hoa ở Bắc Hà (Lào Cai) khác với trang phục của đa phần người Mông ở phần cổ áo và hai tà yếm trước sau. Thay vì cổ áo đứng chữ V như Mông Trắng, Mông Đỏ, thì Mông Hoa ở Lào Cai có cổ áo chéo.

Để công chúng biết thêm các nét văn hóa đặc sắc, Nung đã đưa các hình ảnh tái hiện lên mạng xã hội. Chị vui mừng khi thấy nhiều bạn trẻ quan tâm, trầm trồ về vẻ đẹp và sự kỳ công của trang phục Mông.

Tuy nhiên, Nung chia sẻ rằng đây mới chỉ là bước đầu của hành trình đưa văn hóa – trang phục dân tộc mình “xuống phố”. Chặng đường phía trước mới thực sự khó khăn – để làm sao “gieo” tình yêu văn hóa dân tộc đến với đông đảo công chúng hơn nữa.

Bài liên quan
Ảnh bikini nóng bỏng của thí sinh Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam
Trước thềm chung kết Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam, các thí sinh thực hiện bộ ảnh bikini nóng bỏng, khoe hình thể tràn đầy sức sống.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô gái Mông 'kể chuyện' trang phục dân tộc