Vốn sinh ra ở xã nghèo, bởi vậy từ nhỏ Thuỳ Châm đã ý thức cho bản thân phải nỗ lực học tập để chạm đến cánh cửa đại học. Châm trải lòng: “Quê em còn nghèo, bởi vậy phong trào học thêm cũng như điều kiện đi học thêm không nhiều bởi vậy em đã cố gắng tận dụng thời gian học ở trường cùng thầy cô để hỏi; về nhà cố gắng làm hết bài tập được giao. Những phần nào chưa hiểu, em sẽ nhờ thầy cô giảng lại để không bị hổng kiến thức.
Những năm học THPT, ngoại ngữ em lựa chọn là tiếng Hàn không quá phổ biến ở quê em do đó ngoài việc học từ các thầy cô, chủ yếu em phải tự học, tìm kiếm tài liệu, các bài học trực tuyến để có nền kiến thức vững”.
Cũng chính thời gian tự học, chủ động nghiên cứu từ những năm phổ thông bởi vậy khi vào đại học, Thuỳ Châm không mất quá nhiều thời gian hoà nhập.
Thuỳ Châm chia sẻ: “Ở đại học, sinh viên là trung tâm, thầy cô chỉ có vai trò cố vấn, hỗ trợ, cung cấp kiến thức cơ bản. Theo đó, sinh viên phải là người chủ động hỏi, tìm hiểu và mở rộng vấn đề, thời gian đầu em cũng khá áp lực và lo lắng để có kế hoạch học tập phù hợp cho bản thân. Thế rồi sau hơn hai tháng, em trao đổi với bạn bè, thầy cô và anh chị khoá trên đã định hình được hướng đi cụ thể cho từng năm học của mình”.
Gắn bó cùng Thuỳ Châm trong suốt những năm học THPT, cô Nguyễn Thị Hiền Thảo, giáo viên Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Lê Thị Thuỳ Châm là một học sinh chăm chỉ, chịu khó, luôn nỗ lực học tập. Thuỳ Châm có kỹ năng viết văn tốt, chữ đẹp. Khoá của Châm học diễn ra trong thời gian Covid-19 kéo dài, nhiều hoạt động tập thể không thể thực hiện được nhưng khi quay trở lại trường học trực tiếp Châm rất năng nổ tham gia các hoạt động tập thể”.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Lê Thị Thuỳ Châm dùng tổ hợp DD2 xét tuyển đại học và đạt 26,3 gồm Toán 7,2 điểm; môn Ngữ văn 9,5 điểm; tiếng Hàn 9,2 điểm. Châm là một trong 143 gương mặt được vinh danh trong Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X, năm 2023.