'Nước cho em' và niềm vui của học sinh dân tộc ở Điện Biên

Linh Nga | 12/04/2023, 11:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những giếng nước khoan ở vùng cao, biên giới Điện Biên có ý nghĩa lớn khi đã giải quyết được khao khát của thầy trò nơi đây suốt bao năm qua.

'Nước cho em' và niềm vui của học sinh dân tộc ở Điện Biên ảnh 1

Những dòng nước mát lành được dẫn về tận trường, đó là kết quả của chương trình "Nước cho em" do huyện Nậm Pồ phát động.

Món quà từ sự đồng cảm sẻ chia.

Thầy Nguyễn Thành Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện trường có 10 lớp với 334 học sinh, trong đó có 173 học sinh bán trú. Từ khi công trình giếng khoan nước sạch được đưa vào sử dụng có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh, mà là niềm vui, phấn khởi của bà con nhân dân, phụ huynh học sinh khi con em mình có nguồn nước sạch sử dụng.

Để tiết kiệm nguồn nước sạch và để tạo thói quen, nề nếp sinh hoạt cho học sinh, nhà trường sẽ quy định thời gian sử dụng nước, phân công người trực hàng ngày để bơm nước sáng, chiều. Bơm đầy các téc nước để ngày hôm sau học sinh dùng yên tâm không bị thiếu nước. Hiện nhà trường có 5 téc nước với thể tích mỗi téc từ 2m3 nước trở lên.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng thông báo thời gian cụ thể mở nước để các em sắp xếp thời gian sinh hoạt. Sáng 5 giờ 30 phút bắt đầu mở nước để các em vệ sinh cá nhân chuẩn bị cho ngày học mới, buổi chiều tầm 4 giờ để các em tắm giặt. Còn riêng khu nhà vệ sinh có nguồn nước riêng để phục vụ sinh hoạt hàng ngày luôn đảm bảo.

“Phân khung giờ mở nước để thứ nhất là tiết kiệm nguồn nước dùng, thứ hai là đảm bảo được vệ sinh. Nguồn nước của mình đã hiếm rồi nên cũng có cách để sử dụng hiệu quả nhất. Các em phải tuân thủ theo khung giờ, hình thành thói quen dậy buổi sáng, ăn ngủ đúng giờ, chiều đến tắm giặt xong ăn cơm nghỉ ngơi là bắt đầu lên lớp học”, thầy Tâm chia sẻ thêm.

Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ cho biết: Việc duy trì nơi ở, ăn uống, sinh hoạt tại trường cho học sinh bán trú gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề nước sinh hoạt. Tại nhiều trường, số lượng học sinh ở nội trú đông dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô. Nhiều học sinh phải tắm giặt tại các khe suối, không đảm bảo an toàn và ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng học tập. Từ cuối năm học trước, ngành đã yêu cầu các nhà trường rà soát nhu cầu về nước sạch. Đầu tháng 9/2022 huyện đã ra lời kêu gọi và khởi động chương trình “Nước cho em”. Những chiếc giếng khoan mang nước sạch về trường học kể trên là kết quả từ sức lan tỏa của chương trình này.

“Nậm Pồ với hơn 60% học sinh học bán trú nên việc sử dụng nước hợp vệ sinh để sinh hoạt là rất cần thiết. Với kinh phí thực hiện trên 2 tỷ đồng một phần từ nguồn ngân sách nhà nước, một phần từ nguồn xã hội hoá, đến nay ngành đã thực hiện khoan bổ sung được 36 giếng, bên cạnh đó còn hỗ trợ mua téc dự trữ nước và đường ống dẫn nước cho các trường học trên địa bàn. Phòng Giáo dục cũng đặt ra mục tiêu thay thế hầu hết các bể nước cũ để đảm bảo vệ sinh. Đến thời điểm hiện tại nhu cầu về nước sinh hoạt cho học sinh tại các trường trên địa bàn về cơ bản đã được đảm bảo” ông Chiến cho biết thêm.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nuoc-cho-em-va-niem-vui-cua-hoc-sinh-dan-toc-o-dien-bien-post634088.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nuoc-cho-em-va-niem-vui-cua-hoc-sinh-dan-toc-o-dien-bien-post634088.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Nước cho em' và niềm vui của học sinh dân tộc ở Điện Biên