Nước EU xé thỏa thuận, dọa khóa St. Petersburg nếu Nga động binh: Hé lộ kịch bản "chiếu bí" Moscow

Nhật Minh | 08/12/2023, 19:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

"Nga khóa Baltic, chúng tôi khóa St. Petersburg. Nga chặn Suwalki, chúng tôi chặn Vịnh Phần Lan" - Tướng Martin Herem của Estonia tuyên bố.

Estonia cắt đứt thỏa thuận, công khai cô lập Nga

Hãng thông tấn EER (Esotnia) đưa tin, chính phủ Estonia trong ngày 7/12 đã quyết định chấm dứt thỏa thuận hỗ trợ pháp lý của nước này với Nga, đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao soạn thảo dự luật liên quan và trình lên quốc hội đơn viện của nước này.

Bộ trưởng Ngoại giao Margus Tsahkna nhấn mạnh: "Chừng nào hành động gây hấn toàn diện của Nga với Ukraine còn tiếp diễn, chúng ta phải tiếp tục mọi nỗ lực nhằm cô lập Nga trên trường quốc tế, đồng thời duy trì quan hệ song phương Nga – Estonia ở mức độ tối thiểu".

Ông Tsahkna nói thêm rằng: "Mục đích của chúng tôi là chấm dứt thỏa thuận trong thời gian sớm nhất, bởi quan điểm rõ ràng của Estonia là không hợp tác với kẻ gây hấn".

Nước EU xé thỏa thuận, dọa khóa St. Petersburg nếu Nga động binh: Hé lộ kịch bản chiếu bí Moscow - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Margus Tsahkna

Thông cáo báo chí của Estonia nêu rõ, sau khi thỏa thuận (lẽ ra được tự động gia hạn vào năm 2025) chấm dứt, mối quan hệ hợp tác tư pháp Nga – Estonia sẽ được tiến hành trên cơ sở giống như với tất cả các nước thứ 3 khác.

Quốc gia Baltic gần đây cũng lên tiếng cáo buộc Nga đã tiến hành "chiến dịch tấn công phức hợp", làm gia tăng đáng kể lượng người di cư từ châu Phi và Trung Đông đến biên giới phía đông của Liên minh châu Âu (EU), bất chấp việc Nga lên tiếng phủ nhận.

Nước này đã bố trí hàng loạt vật cản xe tăng bằng bê tông ở cửa khẩu đất liền với Nga nhằm "ngăn chặn làn sóng người di cư trái phép", đồng thời cảnh báo khả năng đóng cửa biên giới với Moscow.

Đáng lưu ý, hôm 3/12, EER dẫn lời ông Jacek Siewiera – người đứng đầu Cục An ninh Quốc gia Ba Lan (BBN) cho biết, Estonia và các quốc gia khác thuộc sườn phía đông của NATO, cũng như toàn bộ liên minh này, có thời hạn 3 năm để chuẩn bị chiến tranh với Nga.

"Đây là thời điểm mà chúng ta phải thiết lập được sự răn đe rõ ràng ở sườn phía đông để ngăn chặn hành vi gây hấn (của Nga)" – Ông Siewiera nói.

Theo báo cáo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức (DGAP), sau Ukraine, Nga có thể sẽ tiến hành một cuộc tấn công về phía tây. Hướng tấn công có thể bao gồm các nước vùng Baltic (Estonia, Latvia và Lithuania).

Xuất hiện trong chương trình truyền hình gần đây, ông Stanislav Krapivnik – nhà phân tích các vấn đề quân sự người Mỹ gốc Nga và trước đây từng phục vụ ở Quân đội Mỹ - cũng có chung nhận định rằng 3 quốc gia vùng Baltic sẽ là mục tiêu của Nga, đồng thời dự đoán Moscow sẽ đánh bại các nước này "chỉ trong 15 phút".

Nước EU xé thỏa thuận, dọa khóa St. Petersburg nếu Nga động binh: Hé lộ kịch bản chiếu bí Moscow - Ảnh 2.

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức (DGAP) cho rằng 3 nước Baltic có thể trở thành mục tiêu của Nga sau Ukraine. Ảnh: Daily Express

Tới ngày 7/12, theo hãng thông tấn TASS, khi phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã củng cố khả năng Nga sẽ tấn công một nước NATO khi tuyên bố: Moscow "sẽ không dừng lại" nếu giành chiến thắng trong cuộc xung đột Ukraine.

Ông Biden cảnh báo Nga có thể sẽ tấn công một quốc gia thành viên NATO sau chiến thắng đạt được và cuộc xung đột đó có thể sẽ kéo Mỹ vào cuộc.

"Điều quan trọng là nhìn nhận vấn đề lâu dài", ông Biden nói, ám chỉ rằng giới lãnh đạo Nga "sẽ tiếp tục (cuộc chiến)" và sau đó "tấn công một đồng minh NATO".

Tổng thống Mỹ tin rằng trong trường hợp điều đó xảy ra thì Washington "sẽ phải đối diện với thứ mà chúng ta không tìm kiếm": Quân đội Mỹ chiến đấu với quân đội Nga.

'Nga khóa Baltic, chúng tôi khóa St. Petersburg'

Trước nguy cơ chiến tranh, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh truyền hình LRT televizija (Lithuania), Tướng Martin Herem – Tư lệnh lực lượng Phòng vệ Estonia – đã nói về kế hoạch phòng thủ của Estonia và "tình thế tiến thoái lưỡng nan" mà Điện Kremlin phải đối mặt nếu nhắm mục tiêu vào các nước vùng Baltic.

Theo đó, Estonia đã xây dựng được khả năng nhận thức tình huống tốt hơn thông qua việc bố trí cảm biến trên khắp vùng biển Baltic.

"Ngay từ ngày mai, chúng ta phải sẵn sàng rằng Nga sẽ vượt qua biên giới của họ bất cứ lúc nào. Trong tình huống đó, chúng ta phải hành động, và không chỉ hành động theo cách lịch sự" – Ông Herem nói.

Theo vị Tướng, chính phủ Nga và Tổng thống Putin đang có những bước đi lớn hơn và nhanh hơn đối với phương Tây. Mục tiêu là sự bất ổn. Nga không thể chiếm đóng các nước vùng Baltic hay Đông Âu trong thời gian dài bởi họ không có đủ sức mạnh để làm điều đó. Tuy nhiên, Moscow có thể chiếm giữ một số lãnh thổ tạm thời.

Nói về chiến lược của Nga, ông Herem cho hay, "khoảng trống Suwalki" (dải đất hẹp dài 60km ở biên giới Ba Lan – Lithuania) luôn được xem là một cách để khóa các nước Baltic, tuy nhiên, Nga có thể không cần tới Suwalki để làm điều này, mà nhằm tạo mối liên hệ với Kaliningrad.

Ví dụ, để chặn Estonia, Nga chỉ cần phá hủy đường bộ và đường sắt. Sau đó, họ chỉ cần theo dõi và tiếp tục phá hủy nếu phía Estonia tiến hành sửa chữa.

"Mọi việc khá dễ dàng" – Ông Herem nói.

Nước EU xé thỏa thuận, dọa khóa St. Petersburg nếu Nga động binh: Hé lộ kịch bản chiếu bí Moscow - Ảnh 3.

Quân đội Estonia. Ảnh: AP

Song, vị Tướng cảnh báo, trong vòng 2-3 năm nữa, Estonia sẽ có đủ khả năng làm điều tương tự với tuyến kết nối giữa thành phố chiến lược St. Petersburg (nơi có căn cứ chính của Hạm đội Baltic) và vùng lãnh thổ Kaliningrad.

Trong trường hợp đó, người Nga sẽ cần kết nối với Suwalki, thay vì chặn hành lang này, và điều đó sẽ khó khăn hơn với họ.

"Người Nga chặn Suwalki, tôi chặn Vịnh Phần Lan. Nhưng tôi cần thời gian, khoảng 2 năm. Hiện tại chúng ta đã có mìn biển rồi" – Ông Herem cho hay.

Cũng theo vị Tướng, Estonia sẽ có khả năng gây ra tình thế "tiến thoái lưỡng nan" cho Nga.

"Chúng tôi có thể chặn đường dây liên lạc trên biển Baltic (giữa Kaliningrad và St. Petersburg), khi đó Suwalki không còn là một ‘khoảng trống’. Họ (người Nga) thậm chí còn cần nó hơn chúng tôi" – Ông Herem nêu quan điểm.

Theo ông Herem, để giữ cho hành lang này được thông thoáng, Nga có thể sẽ cần tới rất nhiều lực lượng, trước tiên là chống lại Lithuania và Ba Lan.

"Bất kể điều gì xảy ra, chúng ta cũng phải có kế hoạch. Chúng ta phải hiểu những gì Nga có thể làm, sau đó phải có khả năng phản ứng...

Nếu lực lượng Nga tiến đến Narva (cửa khẩu trên bộ tại biên giới Nga – Estonia), sẽ có quân đội Lithuania ở đó" - Ông Herem nhấn mạnh.

Theo hãng tin BaltNews (Nga) ngày 7/12, Estonia còn đang muốn tận dụng các cơ hội của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển để thiết lập một vùng tiếp giáp ở Biển Baltic.

Thiết lập một vùng biển tiếp giáp sẽ cho phép chính quyền Estonia làm phức tạp việc di chuyển của các tàu Nga qua dải hải phận quốc tế hẹp ở Vịnh Phần Lan, nằm giữa lãnh hải của Phần Lan và Estonia.

Bài liên quan
Nga sẵn sàng đối thoại với phương Tây
GDTĐ - Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga vẫn sẵn sàng đối thoại với phương Tây, tuỳ thuộc vào phía bên kia quyết định cách thức.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước EU xé thỏa thuận, dọa khóa St. Petersburg nếu Nga động binh: Hé lộ kịch bản "chiếu bí" Moscow