Bên cạnh thuận lợi, việc triển khai Tài liệu giáo dục địa phương cũng gặp không ít rào cản. Khó nhất là khâu thẩm định, đấu giá, in ấn, kinh phí biên soạn… tài liệu. Theo ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng, địa phương tổ chức biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương rất sớm nhưng vướng ở khâu đấu thầu, in ấn. Tỉnh khắc phục bằng cách đưa file tài liệu giáo dục địa phương cho các trường giảng dạy.
Sơ kết học kỳ I năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT Cà Mau cũng nhận diện khó khăn trong triển khai Tài liệu giáo dục địa phương. Theo đó, Tài liệu này chưa ban hành kịp thời theo lộ trình nên việc dạy học lồng ghép còn gặp khó khăn. Đội ngũ biên soạn và thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương chưa được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn.
Các thành viên trong ban biên soạn và thẩm định là cán bộ quản lý, giáo viên kiêm nhiệm nên hạn chế về thời gian. Việc thẩm định tài liệu không tránh khỏi bất cập, đặc biệt là nguồn tư liệu chưa có sự đồng thuận cao; khâu in ấn, phát hành còn vướng thủ tục…
Về nguyên nhân, theo đại diện Sở GD&ĐT Cà Mau, đây là công việc đòi hỏi các tác giả phải có trình độ hiểu biết trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội; có kinh nghiệm, kỹ năng viết sách.
Tuy nhiên, theo quy định, nhóm tác giả phần lớn là thầy cô tham gia lần đầu nên cần có thời gian sưu tầm, tìm hiểu, chọn lọc các vấn đề kinh tế, văn hóa và xã hội của địa phương để đưa vào tài liệu cho phù hợp từng cấp học, từng đối tượng học sinh… Tỉnh làm thận trọng, đảm bảo tính chính xác, khoa học, toàn diện để đưa vào giáo dục trong nhà trường. Đây cũng là lần đầu tiên địa phương thực hiện công việc biên soạn nên mất nhiều thời gian.
Theo đại diện Sở GD&ĐT Bến Tre, hiện khâu in ấn và phát hành Tài liệu giáo dục địa phương chưa thể thực hiện nên các cơ sở giáo dục tạm thời dùng file PDF do sở chuyển đến các đơn vị. Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường căn cứ vào nội dung giáo dục của địa phương, hiệu trưởng phân công dạy học theo từng chủ đề, bảo đảm tương đương về thời lượng trong từng học kỳ phù hợp với năng lực của giáo viên.
Các đơn vị linh hoạt tổ chức hoạt động học tập khác nhau, tránh nặng nề, quá tải. Đối với lớp 10, học sinh không chọn các môn học có liên quan đến các chủ đề trong tài liệu, giáo viên hướng dẫn học sinh tự đọc, nghiên cứu các chủ đề đó…
Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT về triển khai Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT Kiên Giang nêu khó khăn về Tài liệu giáo dục địa phương. Theo ông Huỳnh Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh tuy được phê duyệt nhưng việc in ấn, phát hành tài liệu đối với cấp THCS và THPT chưa thực hiện kịp thời. Các cơ sở giáo dục phải tổ chức giảng dạy bằng bản PDF, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học…