Linh Son phân tích, bài thi Ngữ văn bao gồm 2 phần: Đọc hiểu và làm văn. Phần đọc hiểu thường có 4 câu hỏi với các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Để đạt điểm cao phần này, thí sinh nên trả lời câu hỏi dưới dạng một đoạn văn, điều này sẽ tạo ấn tượng tốt cho giáo viên chấm. Đối với câu hỏi có 2 yêu cầu, cần làm rõ và tách bạch từng ý.
Phần làm văn (7 điểm) gồm câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. “Gần đây, đề bài thi nghị luận xã hội không hỏi cả một vấn đề lớn, mà hỏi một khía cạnh của vấn đề đó bởi dung lượng chỉ có 200 chữ. Đối với câu hỏi này, các bạn cần xác định rõ yêu cầu đề bài, có lập luận sắc bén, dẫn chứng cụ thể (mang tính thời sự, sát với thực tế) để bài viết thêm sâu sắc, hấp dẫn người chấm.
Còn câu nghị luận văn học chiếm 5 điểm trong bài thi nên các bạn cần dành nhiều thời gian hơn, viết càng dài càng tốt, tuy nhiên, không lan man, cần viết rõ các luận điểm. Ở mỗi luận điểm cần trích dẫn nội dung thơ/văn để minh chứng... Khi đó, phần bài làm sẽ chặt chẽ, thuyết phục người chấm”, Linh Son cho biết.
Nữ sinh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khuyên thí sinh tuyệt đối không học tủ. Thay vào đó, cần có kế hoạch ôn luyện kỹ càng để nắm vững kiến thức cơ bản của các tác phẩm thuộc chương trình lớp 12.
Với nhiều năm kinh nghiệm ôn thi môn Ngữ văn, thầy Bùi Huy Hiếu - Trường THPT Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội) nhắc nhở thí sinh, ngoài kiến thức trong sách giáo khoa mà các em được thầy cô trang bị, cần chủ động nghiên cứu tài liệu, cập nhật các vấn đề nóng, thời sự để đưa vào bài làm dẫn chứng. Đặc biệt, cần chú ý phân bổ thời gian làm bài.
“Các em nên dùng 30 - 40 phút để làm phần đọc hiểu và nghị luận xã hội, 70 phút làm nghị luận văn học. Dành 10 phút cuối xem lại bài thi của mình. Nên mang theo đồng hồ để chủ động thời gian làm bài và lập dàn ý cho phần làm văn, tránh thiếu ý trong quá trình triển khai; trình bày gọn gàng, sạch đẹp để tạo thiện cảm cho người chấm”, thầy Hiếu chia sẻ.
Muốn có tâm lý tốt học sinh nên tranh thủ tham gia các kỳ thi thử để quen cảm giác phòng thi, phong cách làm bài và biết điểm yếu là gì để bổ sung kịp thời. Trước khi thi nên nghỉ ngơi thư giãn, không bổ sung kiến thức mới liên tục để tránh lo lắng về mặt tâm lý và dễ hoảng hốt nếu đề thi có một câu, ý tưởng mà mình chưa hiểu, thầy Lê Minh Tuấn - giáo viên môn Toán, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh chia sẻ.