Ôn thi tốt nghiệp THPT: Từng bước chinh phục mục tiêu

16/04/2024, 11:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giáo viên chú trọng tăng cường kỹ năng làm bài, rèn tâm lý thi cử, đồng thời có giải pháp khích lệ, động viên học sinh thi đua, từng bước đạt mục tiêu.

Thầy Nguyễn Hữu Thanh - giáo viên Toán - Trường THPT Bắc Yên Thành (Yên Thành, Nghệ An) đã phân tích kỹ các đề thi năm trước và đề minh họa năm nay của Bộ GD&ĐT. Theo thầy Thanh, với mức nhận biết và thông hiểu, về mặt kiến thức cũng như cách đặt câu hỏi không mới lạ.

Với những câu hỏi này, học sinh có thể bấm máy tính trả lời được nhanh chóng, hoặc áp dụng công thức toán học là ra kết quả. Vì vậy, thầy dạy học đến đâu, ôn thi chắc đến đấy; không dạy trước chương trình cũng không dồn lại để ôn tập chính là cách tiết kiệm thời gian để học sinh nắm kiến thức nền tảng.

Riêng nhóm học sinh khá giỏi, đặt mục tiêu vào đại học, tổ môn Toán tăng cường xây dựng ma trận đề nâng cao. Mục tiêu đến khi hoàn thành chương trình 12, các em thành thạo các dạng toán và chỉ tập trung luyện đề tổng hợp. Bên cạnh đó, giáo viên định hướng thêm các đề thi đánh giá năng lực, tham khảo thêm bộ đề để rèn phản xạ linh hoạt hơn trong vận dụng kiến thức.

Theo thầy Nguyễn Hữu Thanh, yêu cầu vận dụng cao của đề toán khoảng 10 câu cuối. Những câu này, về dạng toán không nằm ngoài chương trình sách giáo khoa, nhưng cách đặt câu hỏi thoạt nhìn có thể hơi lạ, nếu chỉ máy móc áp dụng công thức sẽ khó xử lý. Vì thế, thầy hướng dẫn các em luyện đề nhiều, đặt bút giải tự luận, tư duy. Khi nhìn ra phương pháp giải, các em sẽ đưa bài toán về dạng quen thuộc.

“Không phải cứ làm đề thật nhiều thì học sinh sẽ khá lên, mà quan trọng khâu chữa bài phải phân tích kỹ dạng bài để các em hiểu bản chất toán học của câu hỏi. Qua đó rèn luyện phản xạ để vận dụng linh hoạt kiến thức vào làm bài thi. Đồng thời vững tâm lý, không bị rối hay choáng ngợp khi vào phòng thi gặp câu hỏi lạ”, thầy Thanh chia sẻ.

3 năm gần đây, Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (Thanh Chương, Nghệ An) thực hiện mô hình đảm bảo chất lượng. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước sở GD&ĐT, giáo viên chịu trách nhiệm với nhà trường, học sinh, phụ huynh về chất lượng dạy học. Thầy Nguyễn Thế Hùng - giáo viên Hóa học cho biết: “Việc ký kết đảm bảo chất lượng vừa là áp lực nhưng cũng kích thích giáo viên trong công tác”.

Nói về việc ôn thi tốt nghiệp THPT môn Hóa học, thầy Hùng chia sẻ luôn trăn trở với từng học sinh, nhìn vào điểm số để có kế hoạch dạy học phù hợp.

“Trong quá trình dạy học, tôi chủ động chia sẻ lo lắng của giáo viên để học sinh được biết. Hay khi giải bài tập, chữa đề kiểm tra, đề thi thử, tôi tạo ra áp lực nhỏ nếu tiếp diễn những lỗi sai như vậy, thì lúc thi thật, thầy trò khó đạt cam kết chất lượng với nhà trường. Điều đó khiến học sinh chia sẻ với thầy và nghiêm túc hơn, có mục tiêu rõ ràng trong học tập. Có em khi vào lớp 10, kiểm tra Hóa học chỉ đạt 5 điểm, nhưng đến lớp 12 đã chạm mốc điểm giỏi”, thầy Hùng nói.

Với học sinh miền núi, lấy điểm ở phần nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp là việc không dễ dàng. Các em tiếp thu chậm nhưng nhanh quên, cần được nhắc lại nhiều lần. Vì vậy đòi hỏi học sinh phải chịu khó, thầy cô ôn luyện thường xuyên. - Cô Hồ Thị Thúy

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/on-thi-tot-nghiep-thpt-tung-buoc-chinh-phuc-muc-tieu-post679212.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/on-thi-tot-nghiep-thpt-tung-buoc-chinh-phuc-muc-tieu-post679212.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ôn thi tốt nghiệp THPT: Từng bước chinh phục mục tiêu