Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo nhóm G7 tuần này gặp nhau ở Italia để thống nhất các thỏa thuận hỗ trợ lâu dài, cung cấp thêm nguồn lực cho Ukraine trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 năm nay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau khi ký kết thỏa thuận an ninh song phương vào ngày 13/6/2024.
Các nhà lãnh đạo nhóm G7 hôm 13/6 đã nhất trí cho Ukraine vay 50 tỷ USD. Số tiền này được nhóm G7 trích lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga.
Các lãnh đạo nhóm G7 cũng tính tới việc ràng buộc thỏa thuận hỗ trợ lâu dài cho Ukranie bằng các điều khoản có thể có hiệu lực trong nhiều năm, bất kể sự thay đổi lãnh đạo ở mỗi nước.
Nhiều nước G7 lo ngại viễn cảnh ông Trump có thể tái xuất nếu cựu Tổng thống Mỹ chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Chi tiết cụ thể về thỏa thuận sẽ được G7 hoàn thiện trong vài tuần tới. Khoản tiền đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển cho Ukraine vào cuối năm nay.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ký thỏa thuận an ninh có thời hạn 10 năm với Ukraine. Thỏa thuận thể hiện cam kết vững chắc của Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga.
"Đây là một loạt các động thái mạnh mẽ. Nó sẽ tạo nền tảng vững chắc hơn để Ukraine thành công", ông Biden phát biểu trong cuộc họp báo cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau hội nghị thượng định.
Ông Biden khẳng định Mỹ và nhóm G7 vẫn sẽ luôn đứng về phía Ukraine. "Chúng tôi đã nhiều lần nói 'có' và tôi sẽ nói lần nữa là đúng như vậy", ông Biden nói.
Theo CNN, những cam kết hỗ trợ Ukraine của nhóm G7 một lần nữa bị đặt dấu hỏi bởi khả năng ông Trump tái xuất.
Ông Trump lần đầu xuất hiện ở tòa nhà Quốc hội Mỹ kể từ cuộc bạo loạn xảy ra vào tháng 1/2021.
Khi ông Biden ký các thỏa thuận ở Italia, ông Trump bất ngờ xuất hiện ở tòa nhà Quốc hội Mỹ, gặp gỡ các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Trong cuộc gặp, ông Trump nói với các nghị sĩ rằng không muốn nước Mỹ có thêm bất cứ gói hỗ trợ trị giá 60 tỷ USD nào nữa cho Ukraine, CNN dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết.
Với quan điểm phản đối viện trợ bổ sung cho Ukraine, ông Trump có thể xóa bỏ tất cả các thỏa thuận mà ông Biden ký kết với Ukraine và nhóm G7 hôm 13/6, CNN bình luận.
"Nếu ông Trump có thể tuyên thệ chậm chức vào ngày 20/1/2025 thì vài giờ sau, ông ấy có thể xóa bỏ toàn bộ những thỏa thuận này", John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, nói. "Không thể ràng buộc một tổng thống tương lai theo cách này. Những gì mà ông Biden và đồng minh đang cố gắng có thể chỉ càng chọc giận ông Trump".
Trên thực tế, sau khi lên nắm quyền trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2017, ông Trump đã đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại có hiệu lực dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, điển hình là việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Theo CNN, không có nhiều nhà ngoại giao phương Tây hi vọng vào khả năng ông Trump sẽ thay đổi. Ký ức trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump là lý do khiến các lãnh đạo G7 thúc đẩy hỗ trợ Ukraine tại hội nghị năm nay, CNN cho biết.
Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ông Biden, ông Zelensky nói ưu tiên hỗ trợ Ukraine hay không là do người dân Mỹ quyết định. "Tôi nghĩ điều quan trọng là sự thống nhất. Nếu người dân Mỹ ủng hộ Ukraine, bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng sẽ thể hiện sự ủng hộ tương tự trong cuộc đấu tranh này", ông Zelensky nói.
Theo CNN, ông Biden quyết tâm ký thỏa thuận an ninh song phương có hiệu lực 10 năm với Ukraine để thể hiện sự ủng hộ lâu dài của Mỹ. Nhưng không có gì đảm bảo thỏa thuận sẽ còn có hiệu lực nếu ông Trump tái đắc cử.
Thỏa thuận có một nhược điểm là văn bản hành pháp được ký kết giữa chính quyền hiện tại của Mỹ và Ukraine, không được quốc hội phê chuẩn và không mang tính ràng buộc đối với bất cứ tổng thống Mỹ nào trong tương lai.
Ngoài ra, thỏa thuận cũng không ràng buộc Mỹ cần hỗ trợ thêm bao nhiêu cho Ukraine mà chỉ viết là "tùy vào ngân sách sẵn có".
Các thỏa thuận trở thành một canh bạc lớn đối với ông Biden. Tổng thống Mỹ đang mang uy tín quốc gia ra đặt cược với hi vọng trấn an Ukraine và các đồng minh châu Âu, báo Mỹ Politico nhận định.