PC1 trúng thầu nghìn tỷ ngành điện, lợi nhuận thấp nhất 6 năm hoạt động

12/04/2024, 17:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dù mang lại nghìn tỷ doanh thu từ các gói thầu ngành điện, song, PC1 lại đang ghi nhận mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 6 năm vừa qua.

Gói thầu trăm tỷ tiết kiệm… nhỏ giọt

Công ty Cổ phần tập đoàn PC1 (Mã cổ phiếu: PC1) tiền thân là Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1 được cổ phần hoá từ doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Xây lắp điện I trực thuộc Bộ Năng lượng.

Hiện PC1 có địa chỉ giao dịch và trụ sở tại số 18 Lý Văn Phúc, phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Mã số thuế: 0100100745 cấp ngày 20/07/2005. Ngày 09/11/2016, công ty niêm yết thành công cổ phiếu PC1 trên sàn chứng khoán TPHCM - sàn HOSE. Người đại diện pháp luật là Vũ Ánh Dương.

Tài liệu bạn đọc cung cấp cho thấy, PC1 đã từng tham gia 509 gói thầu, trong đó trúng 173 gói với tổng giá trị 11.744.956.482.402 VND. Đáng chú ý, các gói thầu mà PC1 trúng thầu đều có giá trị rất lớn nhưng tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu ở mức rất thấp, thậm chí, có những gói thầu tỉ lệ chưa đạt 1%.

Theo điều tra của GD&TĐ, ngày 2/12/2023, ông Hoàng Văn Tuyên – Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc Gia đã ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 40: “xây lắp đường dây đoạn tuyến từ VT82A đến VT95 thuộc dự án đường dây 500kV NMNĐ Nam Định I – Thanh Hoá”. PC 1 trúng thầu với giá 76.599.828.606VND, gói thầu có giá 76.701.084.930 VND, tiết kiệm khoảng 100 triệu đồng cho gói thầu 76 tỷ đồng.

Ngày 7/11/2023, ông Nguyễn Danh Tuyên – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội ký phê duyệt cho liên danh Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 1 – Mỹ Đình và PC1 trúng gói thầu số 08: “xây dựng mới trạm 220/110kV Đại Mỗ nhánh rẽ 220kV”, giá trúng thầu 115.171.447.061 VND, gói thầu có giá 115.389.938.410 VND, tiết kiệm cực thấp ở mức 200 triệu đồng.

Các gói thầu năm 2022, trong vai trò độc lập của công ty PC1, tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều gói thầu giá trị hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng, nhưng số tiền tiết kiệm cũng chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Ngay với chủ đầu tư quen mặt như Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (với việc trúng hàng chục gói thầu tại đây), tỉ lệ tiết kiệm tượng trưng lặp đi lặp lại. Ví dụ, gói thầu số 8 (tháng 12/2022) có giá trúng thầu 83.450.560.748 VND, tiết kiệm được 135.468.252 VND so với dự toán, đạt tỉ lệ 0,16%.

Quyết định phê duyệt PC1 trúng thầu
Quyết định phê duyệt PC1 trúng thầu

Hoặc gói thầu số 11 (tháng 10/2022) có giá trúng thầu 96.496.153.917 VND chỉ tiết kiệm hơn 100 triệu đồng, tỉ lệ là 0,1%.

Vào tháng 9/2022, 3 gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm siêu thấp, chỉ 0,3; 0,4 và 0,5%, trong khi giá trị trúng thầu rất lớn tương ứng: 80.968.387.912 VND; 73.089.172.793 VND và 93.290.988.332 VND.

Cần lưu ý rằng, trong công tác đấu thầu, mục tiêu lớn nhất là tiết giảm tối đa nguồn kinh phí đầu tư, giảm tải gánh nặng cho ngân sách. Các đơn vị là chủ đầu tư bên cạnh việc lựa chọn nhà thầu có năng lực chuyên môn cao, cũng cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm này, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực.

Lợi nhuận trồi sụt thất thường

Theo tài liệu phóng viên thu thập, trong giai đoạn từ năm 2020 – 2023, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của PC1 luôn dao động trong khoảng 6.000 – 8.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu năm 2022 đạt 8.357 tỷ đồng. Lợi nhuận trong giai đoạn này cũng trồi sụt thất thường, năm 2020 ghi nhận 544 tỷ đồng, song, đến cuối năm 2023 khoản lợi nhuận này đã bốc hơi gần nửa chỉ còn 303 tỷ đồng và đây cũng là khoản lợi nhuận thấp nhất trong 6 năm qua tại PC1.

So với kế hoạch 9.450 tỷ đồng doanh thu và 511 tỷ đồng lãi sau thuế đã đề ra, PC1 đều không hoàn thành kế hoạch năm.

Thuyết minh chi tiết doanh thu của PC1 quý IV và cả năm 2023, cơ cấu doanh thu của công ty ghi nhận tăng trưởng ở hoạt động sản xuất công nghiệp trong khi doanh thu bán điện và hoạt động xây lắp - thiết bị ngành điện giảm mạnh so với cùng kỳ. Ngoại trừ bán điện, bán quặng và hoạt động khai thác vận hành khu công nghiệp, biên lợi nhuận các mảng còn lại chủ yếu duy trì ở mức thấp trong bối cảnh giá vốn ở mức cao.

Tính đến ngày 31/12/2023, nợ phải trả của PC 1 ghi nhận ở mức gần 12,9 nghìn tỷ đồng, trong cơ cấu nợ, dư nợ vay tài chính chiếm gần 83%, mức 10.750 tỷ đồng.

Vay nợ lớn khiến chi phí lãi vay năm 2023 tăng 39,5% lên mức 844 tỷ đồng, nợ ngắn hạn đạt 4,7 nghìn tỷ đồng chiếm hơn 30% tổng nợ phải trả. Đáng lưu ý, tại ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của PC1 đang ghi nhận ở mức 7,2 nghìn tỷ đồng, như vậy hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lúc này đang gần gấp 2 lần.

Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn nếu lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao.

Cổ đông lớn chốt lời

CTCP BEHS vừa qua đã công bố bán thành công toàn bộ hơn 53,9 triệu cổ phiếu, chiếm 17,32% vốn tại PC1 trong khoảng thời gian từ ngày 22-24/1. Trước đó, các công ty liên quan như CTCP BEH và BES cũng đã bán toàn bộ 11 triệu cổ phiếu, chiếm 3,53% và 8,6 triệu cổ phiếu, chiếm 2,76% vốn tại PC1, trong các ngày 22 và 23/1.

Như vậy tổng cộng nhóm nhà đầu tư này đã thoái vốn bán ra tổng cộng 73,4 triệu cổ phiếu PC1, chiếm 23,6% tổng vốn của công ty. Toàn bộ giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận.

Theo dữ liệu giao dịch trên HOSE cho thấy, tổng giá trị chuyển nhượng 73,4 triệu cổ phiếu PC1 lên đến 1.870 tỷ đồng, tương đương với mức giá thỏa thuận bình quân khoảng 25.500 đồng/cp. BEHS trở thành cổ đông lớn của PC1 từ ngày 11/5/2020 sau khi mua hơn 26 triệu cổ phiếu, chiếm 16,38% vốn tại PC1. Tại thời điểm đó, giá cổ phiếu này chỉ khoảng 9.000 đồng/cp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PC1 trúng thầu nghìn tỷ ngành điện, lợi nhuận thấp nhất 6 năm hoạt động