Hiện nay, thu hút học sinh vào trường nghề không dễ dàng. Ảnh: Hải Nguyễn/Báo Lao động |
Đề cập đến công tác phân luồng, người đứng đầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay, mục tiêu của Chính phủ và Quốc hội đặt ra là, hết năm 2025 phấn đấu chỉ tiêu phân luồng đạt 40 đến 45% học sinh phổ thông vào học nghề; định hướng chiến lược đến năm 2030 đạt chỉ tiêu 50 đến 55%.
Theo Bộ trưởng, đây là chỉ tiêu cao và khó nhưng vô cùng quan trọng. Thực tế công tác phân luồng không phải bây giờ mới làm. Cách đây 20 năm, Ban Bí thư đã nêu vấn đề này và đã đặt ra chỉ tiêu 30% học sinh phổ thông học nghề. Hiện chúng ta đạt được 26%.
“Chúng tôi cho rằng, phân luồng học sinh nhằm thực hiện mục tiêu kép: Đào tạo thợ để cân đối giữa thợ với thầy và điều chỉnh quy mô đào tạo; đồng thời gắn với thị trường lao động linh hoạt mà vẫn đạt mục tiêu liên thông, học tập suốt đời cho người lao động. Những vấn đề này đã đặt ra, còn việc phân luồng thế nào lại đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi.
Gần đây, số học sinh học trung cấp nghề tăng lên. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải điều này bởi chúng ta đang áp dụng phương pháp mới là đào tạo theo mô hình Kosen và đào tạo 9+. Tức là, học sinh học xong lớp 9 có thể vào học trường nghề hoặc tốt nghiệp phổ thông rồi vào trường nghề học tập.
Theo đó, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông đã vào học trường nghề. Các em vừa học văn hóa, vừa học nghề, khi ra trường có bằng nghề lẫn bằng tốt nghiệp phổ thông theo các tiêu chuẩn, quy định của Bộ GD&ĐT. Không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều nước phát triển cũng áp dụng và khuyến khích mô hình này như: Nhật Bản, Canada, Đức...
Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ trưởng có liên quan tập trung hoàn thiện quy định về đào tạo nghề và dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp và các giải pháp phân luồng trong giáo dục phổ thông. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông; có chính sách khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Không nên để việc học sinh vào các trường nghề là lựa chọn cuối cùng như một số đại biểu Quốc hội đã nêu.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua, có nhiều chính sách khuyến khích đối với học nghề. Chẳng hạn học sinh khu vực đồng bào dân tộc thiểu số đi học nghề sẽ được học miễn phí hoàn toàn và ưu tiên tìm việc khi học xong. Đối với những em tiên tiến còn được đào tạo chương trình chất lượng cao miễn phí…