Trước đó, hồi tháng 5, Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Koji Tomita cho biết Nhật Bản đang nỗ lực hướng tới việc mở văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo. Nếu được triển khai, cơ sở này sẽ trở thành văn phòng đầu tiên của khối quân sự NATO ở châu Á. Kế hoạch này đã được thảo luận không liên tục kể từ năm 2007, khi Thủ tướng Shinzo Abe lần đầu tiên đến thăm trụ sở của NATO, và đã được đề xuất lại một lần nữa trong những tháng gần đây.
“Về nguyên tắc, chúng tôi không ủng hộ việc đó”, quan chức Pháp nói thêm.
Cá nhân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tin rằng điều lệ của NATO đã áp đặt các giới hạn địa lý ngăn cản khối này mở rộng sang châu Á.
Về phần mình, Tokyo đã tăng cường hợp tác đều đặn với NATO trong những năm qua, mở văn phòng chi nhánh NATO đầu tiên tại Brussels vào năm 2018.
Thủ tướng Fumio Kishida đã trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm ngoái. Nhật Bản, cũng như Australia, New Zealand và Hàn Quốc, cũng đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh năm 2023, diễn ra tại Vilnius, Litva vào ngày 11 - 12/7, trong bối cảnh liên minh do Mỹ dẫn đầu ngày càng tăng cường quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương những thời gian gần đây.
Trung Quốc đã phản đối sự mở rộng dần dần của NATO và tuyên bố rằng khối này nên duy trì trong phạm vi ảnh hưởng của chính mình cũng như không tìm cách tăng cường sự hiện diện ở châu Á. Bắc Kinh lập luận rằng khu vực này “không hoan nghênh sự đối đầu của khối hoặc các khối quân sự”.
Nga, quốc gia phản đối mạnh mẽ việc mở rộng NATO ở Đông Âu, cũng chỉ trích những nỗ lực của khối nhằm mở rộng hoạt động sang châu Á. Vào tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án việc Mỹ và các đồng minh thúc đẩy thành lập cái mà ông gọi là “NATO toàn cầu” giống như hành động của Đức Quốc xã, Italy và Nhật Bản vào những năm 1930 trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ.