Quảng Nam - Ốc tù và nặng hơn 2,6 kg được ngư dân phát hiện ở vùng biển Cù Lao Chàm, TP Hội An sau 20 năm vắng bóng.
Ngày 21/8, ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Ban quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cho biết đã thả về biển con ốc tù và nặng hơn 2,6 kg, dài 44 cm do ngư dân Trần Văn Cử, trú thôn Bãi Ông, xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An bắt được.
Ông Cử cùng lực lượng chức năng thả ốc tù và về biển. Ảnh: Ban quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Theo ông Vũ từ năm 2004 đến nay cơ quan này không ghi nhận ốc tù và ở vùng biển Cù Lao Chàm. "Việc người dân phát hiện ốc tù và cho thấy kết quả bảo tồn biển Cù Lao Chàm thời gian qua", ông nói.
Trước đó, ngày 19/8, ông Cử đánh bắt hải sản bằng nghề lưới rê tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm bắt được con ốc tù và. Ông Cử biết đây là loài ốc quý hiếm vì được bản quản lý khu bảo tồn tuyên tuyền bảo vệ.
Người dân địa phương cho biết, trước đây ốc tù và từng xuất hiện ở biển Cù Lao Chàm. Loài ốc này có đặc điểm to nên dễ bị phát hiện khi lặn xuống. Ốc được người dân bắt về làm món ăn hoặc bán, rồi sau đó họ không còn nhìn thấy.
Con ốc tù và nặng hơn 2,6 kg, dài 44 cm Ảnh: Ngọc Diên
Ốc tù và có tên khoa học là Charonia Tritonis, có tên khác gọi là ốc nữ hoàng hay ốc hoàng hậu. Mặt ngoài màu kem, có nhiều vân màu nâu đậm hoặc nâu nhạt. Nhiều đường xoắn ốc nổi rõ từ miệng đến đỉnh. Sống ở vùng dưới triều đáy mềm, ven các rạn san hô, có khi xuống sâu 20 - 30 m.
Ở Việt Nam, ốc tù và (Charonia) phân bố nhiều tại các vùng ven đảo như Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Hòn Mun, Hòn Tre (tỉnh Khánh Hòa) và các vùng rạn san hô. Hiện nay ốc tù và đã được đưa vào danh sách các loài sinh thật quý hiếm cần được bảo tồn, bảo vệ theo Sách Đỏ Việt Nam. Ốc tù và là loài ốc quý, có giá trị mỹ nghệ cao, số lượng tương đối ít. Ốc tù và hiện đang trong tình trạng bị khai thác triệt để, cạn kiệt nguồn lợi ở khắp nơi, kể cả những con non, mức độ đe dọa bậc V (loài có giá trị kinh tế có thể bị đe dọa tuyệt chủng).
Thức ăn chính của ốc tù và là sao biển gai (Acanthester planci), trong khi sao biển gai lại ăn san hô đe dọa đến đời sống các rạn san hô. Ốc tù và có ý nghĩa sinh học cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ rạn san hô.
Theo Tổng cục Thủy sản, trong khuôn khổ Chương trình phục hồi Rạn san hô đến năm 2050, Chính phủ Australia đã đầu tư khoản kinh phí 568.000 UAD để thực hiện công trình nghiên cứu nhân giống loài ốc tù và là loài thiên địch của sao biển gai trong tự nhiên. Viện Nghiên cứu khoa học biển Australia đã nghiên cứu, phát triển ấu trùng ốc tù để có thể phát triển thành con non và trưởng thành nhằm tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu sinh học về loài này.