Mặt khác, trong bối cảnh một chương trình, nhiều bộ SGK, việc cạnh tranh nhau để “được lựa chọn” đưa vào nhà trường giữa các đầu sách, nhà xuất bản là có thật. Nếu giáo viên đứng ngoài cuộc, phó mặc cho quản lý lựa chọn dễ xảy ra tình trạng chọn SGK theo “hoa hồng”, cảm tính, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả dạy học về sau, vất vả cho cả thầy và trò.
Để chọn được bộ SGK ưng ý nhất, những ngày qua, không chỉ tham dự và lĩnh hội tinh thần các bộ sách qua hội thảo giới thiệu của nhà xuất bản, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở còn chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các bản PDF được đăng tải công khai. Mỗi giáo viên sau khi nghiên cứu đều có bản nhận xét chi tiết cái được, chưa được của từng SGK trong môn học thuộc chuyên môn phụ trách để đề xuất với tổ chuyên môn. Ngoài thời gian nghiên cứu nội dung sách, không ít giáo viên còn soạn thử giáo án của bài học, thậm chí dạy thử với nhóm nhỏ. Với một số SGK chưa có giáo viên cùng cấp như môn Nghệ thuật lớp 10, các giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THCS có trình độ đại học trở lên đã nhiệt tình tham gia lựa chọn, trên tinh thần phù hợp với điều kiện của địa phương.
Tâm huyết, cẩn trọng, trách nhiệm, nỗ lực hết mình của đội ngũ giáo viên trong công tác chọn SGK những ngày này rất đáng ghi nhận. Thế nhưng, để chọn được bộ sách lớp 3, 7, 10 áp dụng vào năm học tới thực sự bảo đảm chất lượng và phù hợp, nỗ lực của đội ngũ là chưa đủ, mà còn là quá trình lựa chọn phải khách quan, minh bạch.
Thực tế cho thấy, ở đâu đó vẫn còn tình trạng chưa thực sự dân chủ trong lựa chọn SGK, có nơi làm qua loa, đại khái, có nơi làm theo sự “chỉ đạo, định hướng ngầm”, giáo viên bỏ phiếu theo kiểu “đông tay vỗ cho vui”. Những biểu hiện này rất cần được kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời. Nếu không, có chương trình tốt, giáo viên tốt mà phương tiện dạy học là SGK chưa chất lượng, phù hợp, thì cũng khó đi đến thành công trong thực hiện chương trình mới, đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội.