Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý hàng trăm báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến hoạt động chuyển tiền lòng vòng giữa các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu liên quan đến hoạt động trốn thuế, gian lận thuế.
Kết quả cho thấy, trong giai đoạn năm 2017 – 2023, hàng nghìn khách hàng thực hiện giao dịch và có liên quan đến các giao dịch chuyển tiền lòng vòng qua nhiều tài khoản ở các ngân hàng có dấu hiệu nhằm trốn thuế, gian lận thuế, bao gồm cá nhân (chiếm 38% trên tổng số khách hàng) và tổ chức (chiếm 62% trên tổng số khách hàng).
Các loại hình của tổ chức như: công ty trách nhiệm hữu hạn (chiếm 69%), công ty cổ phần (chiếm 30%), doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã (1%). Các tổ chức này có lĩnh vực hoạt động đa dạng, như: Sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thương mại, dịch vụ, trong đó tập trung ở ngành nghề về hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, xây dựng chuyên dùng, xây nhà các loại, tư vấn quản lý; các hoạt động về vận tải, hoạt động dịch vụ tài chính...
“Giao dịch chuyển tiền lòng vòng thông qua tài khoản tại các ngân hàng của các cá nhân, tổ chức chủ yếu liên quan đến mục đích thanh toán các hoạt động sản xuất, dịch vụ, thương mại... Qua kết quả phân tích dữ liệu cho thấy xử lý, giao dịch chuyển tiền lòng vòng qua tài khoản của các khách hàng này có dấu hiệu tạo chứng từ qua ngân hàng cho mục đích có thể là trốn thuế, gian lận thuế. Nội dung giao dịch đơn giản như chuyển tiền, chuyển khoản, thanh toán hợp đồng, thanh toán tiền hàng”, ông Phong lưu ý.
Ngoài ra, một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền qua hệ thống ngân hàng bị phát hiện gần đây như: Giả danh cán bộ các cơ quan chức năng thông báo có bưu phẩm nộp thuế để nhận bưu phẩm hoặc hướng dẫn khách hàng xác nhận thông tin, thay đổi mật khẩu....thông qua truy cập đường link có gắn mã độc gửi kèm trong tin nhắn, qua đó chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản giao dịch ngân hàng điện tử của khách hàng.