Thời sự

Phát triển ngành đường sắt Việt Nam: tạo nền tảng kỹ thuật từ giáo dục và đào tạo

Hải Minh 06/05/2025 19:56

Hiếm có thời điểm nào trong lịch sử phát triển ngành đường sắt Việt Nam lại chứng kiến những chuyển biến tích cực như hiện nay.

Ngày 6/5, Trường ĐH Giao thông vận tải tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề "Các vấn đề tiêu chuẩn cho đường sắt hiện đại - Nhu cầu thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm thế giới".

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải nhìn nhận, ngành đường sắt Việt Nam đứng trước thời cơ phát triển vượt bậc với nhiều chủ trương lớn, quyết sách chiến lược được Đảng, Quốc hội và Chính phủ xác lập.

duongsat-1-.jpg
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải phát biểu tại tọa đàm.

Hiếm có thời điểm nào trong lịch sử phát triển ngành đường sắt Việt Nam lại chứng kiến những chuyển biến tích cực như hiện nay. Chưa đầy một năm, Quốc hội liên tiếp thông qua nhiều nghị quyết, cơ chế quan trọng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về tiêu chuẩn, công nghệ và huy động nguồn lực, mở đường cho sự cất cánh của ngành đường sắt.

“Trường ĐH Giao thông vận tải đã và đang chủ động thích ứng, triển khai nhiều giải pháp, chương trình nhằm đáp ứng bối cảnh mới”- PGS.TS Nguyễn Văn Hùng khẳng định, đồng thời viện dẫn, trường đã công bố 5 chương trình đào tạo kỹ sư các lĩnh vực đường sắt hiện đại, góp phần đổi mới sâu sắc nội dung, phương pháp đào tạo, hướng đến các dự án trọng điểm quốc gia.

Đặc biệt, trường đã tiếp nhận và biên dịch 88 tiêu chuẩn cốt lõi của đường sắt điện khí hóa và 29 tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao Trung Quốc, bước đầu hình thành nền tảng kỹ thuật cho cộng đồng kỹ sư trong nước.

duongsat-6-.jpg
Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Từ năm 2024 đến nay, Trường ĐH Giao thông vận tải phối hợp với các đối tác quốc tế có kinh nghiệm từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Cộng hòa Liên bang Đức, tổ chức chuỗi tọa đàm, hội thảo về tiêu chuẩn thiết kế, công nghệ vật liệu, giải pháp thi công và vận hành, khai thác hệ thống đường sắt hiện đại.

Chia sẻ tại Tọa đàm, TS Phan Hữu Duy Quốc - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) cho rằng, nếu tiếp tục duy trì cách làm metro như hiện nay sẽ không thể đạt được mục tiêu phát triển mạng lưới metro theo kế hoạch đến 2030 - 2045.

Do đó, cần thay đổi cách làm, trong đó nội dung then chốt là thống nhất khung tiêu chuẩn kỹ thuật. “Chúng ta nên ưu tiên sử dụng hệ tiêu chuẩn quốc tế đã được kiểm chứng, thay vì xây dựng mới từ đầu gây tốn kém và mất thời gian”- TS Phan Hữu Duy Quốc nêu ý kiến.

duongsat-2-.jpg
Toàn cảnh tọa đàm.

Theo TS Phan Hữu Duy Quốc, nên áp dụng hệ tiêu chuẩn châu Âu (Eurocode) là phù hợp nhất hiện nay, vì đã được sử dụng rộng rãi, có sẵn tài liệu, không rào cản ngôn ngữ lớn.

Đặc biệt, không thiên vị quốc gia nào, thúc đẩy huy động nhân lực quốc tế và phù hợp định hướng đề án tại Quyết định 198/QĐ-TTg của Chính phủ về hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn xây dựng”, ông Quốc nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần xây dựng bộ thông số kỹ thuật dùng chung cho toàn mạng đường sắt đô thị, làm nền tảng cho thiết kế – vận hành – khai thác. Khi áp dụng được bộ thông số kỹ thuật dùng chung thì sẽ giảm chi phí đầu tư, vận hành…

duongsat-3-.jpg
PGS.TS Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng).

Việt Nam có quá trình phát triển tuyến đường sắt lâu đời, song PGS.TS Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, phần lớn các tuyến hiện nay thuộc khổ nhỏ. Việc đầu tư cho đường sắt trong những năm gần đây còn thấp.

Quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt Việt Nam xác định, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm 2.362km đường sắt kết nối đến các khu kinh tế, cảng biển.

Trong đó, mục tiêu được Chính phủ đặt ra là khởi công xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025, khởi công dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong năm 2026.

Thảo luận tại Tọa đàm, ông Bùi Văn Dưỡng - Phó cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, trên cơ sở nghiên cứu và tham vấn các chuyên gia, dự thảo nghị định liên quan xác định nhiều yếu tố quan trọng để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao như: quy định quy hoạch phân khu chức năng cụm nhà ga; việc áp dụng tiêu chuẩn của nhà sản xuất khi chưa có tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn nước ngoài phù hợp...

duongsat-4-.jpg
Ông Bùi Văn Dưỡng - Phó cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng).

Dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ triển khai theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ về dự án hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng cho mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh do UBND thành phố quyết định lựa chọn áp dụng cho các dự án sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.

Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư được đề xuất thay đổi, bổ sung các tiêu chuẩn áp dụng khi không làm thay đổi các nội dung dẫn đến phải điều chỉnh dự án và phải được cơ quan chủ quản dự án chấp thuận.

Cùng ngày, Trường ĐH Giao thông vận tải ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với các đơn vị, gồm: Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh; Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh; Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải; Công ty Cổ phần Đầu tư Phan Vũ.

duongsat-5-.jpg
Trường ĐH Giao thông vận tải ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với các đơn vị - chiều 6/5.

Theo thỏa thuận, Trường ĐH Giao thông vận tải và các đối tác sẽ hợp tác tiến đến làm chủ công nghệ chiến lược trong việc thiết kế, chế tạo, kiểm thử và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm phương tiện đường sắt, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển đường sắt cao tốc và đô thị.

Mục tiêu là từng bước nội địa hóa toàn bộ chuỗi giá trị – từ thiết kế kỹ thuật đến sản xuất và kiểm định – góp phần giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước.

Thông qua việc khai thác thế mạnh của mỗi bên, hợp tác nhằm xây dựng mô hình tích hợp giữa nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên sâu và triển khai sản xuất thực tiễn.

Nhà trường đóng vai trò trung tâm trong nghiên cứu nền tảng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các đối tác là đầu mối ứng dụng/triển khai sản xuất/vận hành, tổ chức – tạo thành chuỗi liên kết khép kín, hiệu quả và có chiều sâu, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam.

Việc phát triển đồng bộ các yếu tố này sẽ là nền tảng quan trọng góp phần để Việt Nam xây dựng các tuyến đường sắt hiện đại của đất nước và tại TP Hồ Chí Minh nói riêng có tính độc lập, tự chủ và khả năng phát triển bền vững.

Bài liên quan
Liên Bộ 'bắt tay' xây dựng quy chuẩn làm đường sắt tốc độ cao
Việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho đường sắt tốc độ cao rất quan trọng, cần được tiến hành sớm và phải đảm bảo hài hòa giữa ngắn hạn và dài hạn, giữa yếu tố kinh tế và an ninh quốc phòng, từ đó làm cơ sở để lựa chọn công nghệ, đối tác.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển ngành đường sắt Việt Nam: tạo nền tảng kỹ thuật từ giáo dục và đào tạo