Thương mại điện tử (TMĐT) năm 2024 đạt được mục tiêu tăng trưởng 18 - 20%, vượt mốc 25 tỷ USD theo kế hoạch.
Dự báo trong năm 2025, thị trường này sẽ cán mốc hơn 31 tỷ USD.
Thống kê cho thấy, năm 2014, doanh số TMĐT B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng cá nhân qua Internet) mới chỉ đạt 2,97 tỷ USD. Tuy nhiên, đến năm 2024 đã cán mốc 25 tỷ USD, tăng trung bình 26,7%/năm, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam, năm 2024 ngành đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng từ 18 - 20%, vượt mốc 25 tỷ USD. Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong 4 năm trở lại đây, TMĐT Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình 16 - 30% mỗi năm và được đánh giá cao xếp vào hàng đầu thế giới.
Dự báo năm 2025, thị trường này sẽ cán mốc hơn 31 tỷ USD. Tỷ lệ dân số tham gia TMĐT chiếm khoảng 60%, giá trị mua sắm trung bình ước đạt 400 USD/người/năm.
Cuối năm 2024, TMĐT đã đạt doanh số khoảng 108.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn cho ngành TMĐT, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài.
Dẫn chứng, các sàn TMĐT như: Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo lần lượt gia nhập vào thị trường Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh, độ bao phủ rộng, xuyên biên giới.
Kênh AppotaPay (dịch vụ kết nối thanh toán online) đưa ra dự báo xu hướng TMĐT năm 2025 tại Việt Nam: Hiện có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ.
Trong khi đó, có đến 25% người tiêu dùng mua sắm online và 21% mua ngay lập tức. Dự báo năm 2025, TMĐT chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ và đóng góp vào mục tiêu 20% GDP của kinh tế số. Ghi nhận sự chuyển dịch từ các kênh bán lẻ truyền thống (chợ, tạp hóa…) sang mô hình TMĐT hiện đại mà ở đó người mua được hưởng lợi nhiều tiện ích.
Tốc độ tăng trưởng của TMĐT chiếm 35 - 45%/năm đã “lôi kéo” được thói quen tiêu dùng gia nhập vào các sàn TMĐT Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop. Đáng chú ý, TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng 15% thị phần TMĐT trong năm 2024.
Trong dự thảo tờ trình xây dựng Luật TMĐT, Bộ Công Thương đưa ra một số chính sách về TMĐT (vì thực tế cho thấy đang có nhiều bất cập về trách nhiệm của chủ thể khi tham gia hoạt động TMĐT).
Tại Nghị quyết 09, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để định danh người bán trên các sàn TMĐT thông qua VNeID.
Đối với các chủ thể tham gia cung cấp dịch vụ TMĐT xuyên biên giới và người bán nước ngoài trên các nền tảng số, Bộ Công Thương cho biết, hiện chưa có chế tài hiệu quả để quản lý chất lượng hàng hóa và thu thuế từ các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Điều này dẫn đến thất thu ngân sách và khó khăn trong việc bảo vệ người tiêu dùng.
Việc “định danh” người bán hàng trên các sàn TMĐT sẽ giảm thiểu được các rủi ro như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái…
TS Nguyễn Bình Minh, Hiệp hội TMĐT đề cập, nếu chúng ta không có chính sách thuế tốt thì sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất trong nước; kéo theo TMĐT sẽ gặp một số khó khăn nhất định. Những hạn chế về cơ sở hạ tầng, vận chuyển logistics, chất lượng hàng hóa doanh nghiệp sẽ là rào cản phát triển.
Bên cạnh đó, cần tập trung kế hoạch định hướng chiến lược trong phát triển TMĐT với các tiêu chí như: Chú trọng phát triển sản phẩm chất lượng, có uy tín. Nâng cao chất lượng dịch vụ, giá trị sản phẩm, tạo cạnh tranh công bằng, xây dựng mối quan hệ gắn kết với khách hàng…
Theo TS Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thị trường TMĐT ở Việt Nam đang gặp một số thách thức, khó khăn như: Thiếu sự đồng bộ trong quá trình triển khai các chính sách, niềm tin của người tiêu dùng vào bảo mật thông tin, nguồn nhân lực chất lượng cao…
TS Huyền nhìn nhận, Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản, chính sách về TMĐT nhằm tạo ra khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực này.
Bộ Công Thương cho biết, hiện nhiều nước xây dựng Luật TMĐT như: Malaysia, Campuchia, Philippines, Hungary, Rumani, Macedonia, Ireland, Malta, Luxembourg, Iran, Trung Quốc… Một số nước khác tuy không xây dựng Luật TMĐT nhưng đã có những văn bản điều chỉnh riêng cho lĩnh vực này.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để phù hợp với xu thế chung của thế giới, Việt Nam rất cần xây dựng Luật TMĐT để điều chỉnh toàn diện lĩnh vực này, góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và tạo động lực để Việt Nam phát triển kinh tế số”, Bộ Công Thương nêu.
Thời gian tới, nếu được Chính phủ đồng ý, Bộ Công Thương dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2025 về Dự thảo Luật TMĐT.
Luật TMĐT sẽ tập trung vào 5 chính sách lớn nhằm hoàn thiện quy định quản lý, giám sát hoạt động và thúc đẩy phát triển của TMĐT.
Theo đó, cần bổ sung và thống nhất các khái niệm theo các quy định pháp luật hiện hành; quy định các hình thức hoạt động TMĐT, các chủ thể tham gia vào hoạt động TMĐT, quyền và nghĩa vụ liên quan; trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ TMĐT; quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại; quy định về xây dựng, phát triển TMĐT.
Bộ Công Thương cho biết, với điều kiện thực tế hiện nay, đã có đủ nguồn nhân lực, bộ máy, điều kiện cơ bản cho việc thi hành Luật TMĐT sau khi được Quốc hội thông qua, đảm bảo tính khả thi về chính sách. Các quy định tại Luật TMĐT không làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của các bộ, ngành liên quan.
PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) nhận định: TMĐT đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số. Mục tiêu doanh thu TMĐT chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 hoàn toàn khả thi, nhất là khi tốc độ tăng trưởng hiện nay đạt kết quả tích cực.