Tôi đã ngơ ngác với Chửa hoang của Tâm An; đã xúc động với Cháy hết mình, quầng sáng vẫn chưa xa của Nguyễn Quang Cương và lâng lâng, u uất với chất thơ của Phạm Thu Yến…Phải chăng Nguyễn Văn Hòa cũng đau đớn như Nguyễn Thị Ánh Huỳnh trong Niềm đau và nỗi đam mê bất tận của người đàn bà làm thơ gốc Đước, hay lấp lóa sự cô đơn cùng Nguyễn Cường trong Nguyễn Cường với hành trình cô đơn…mới có thể chấp bút đồng cảm, nêu lên những giá trị mới mẻ đầy nhân văn.
Viết phê bình là một công việc có ý nghĩa rất lớn với văn học nhưng cũng vô cùng vất vả, bởi điều hiển nhiên với một người phê bình, họ phải có kiến thức rộng mở, nắm bắt được nét độc đáo của mỗi tác giả, tác phẩm, hơn hết còn phải chịu nhiều tai tiếng, nghi kị, “mếch lòng” khi nói lên quan điểm bằng câu chữ. Trong một bài trả lời phỏng vấn trên Báo Thanh Niên, ông từng chia sẻ: “Tôi không theo trường phái nào cả. Viết phê bình với mình đó là sở thích, là đam mê, là niềm vui, là cách để mình bày tỏ và thể hiện quan điểm của mình về tác phẩm, tác giả. Viết là để tạo nên sự cân bằng, hiểu đời, hiểu người và hiểu bản thân mình hơn. Viết bằng cái tâm của một người cầm bút chân chính. Viết dựa trên những luận điểm, cơ sở khoa học, dựa trên những kiến thức nền tảng mà tôi được học, được tích lũy…”
Vì thế, nhà phê bình Hoàng Thụy Anh đã có nhận định khá xác đáng về cách viết phê bình của Nguyễn Văn Hòa: “Ở mỗi bài viết, Nguyễn Văn Hòa luôn thể hiện chủ kiến, ý thức phản biện và dám đối diện, đương đầu, bảo vệ điều mà mình khẳng định. Chủ kiến đòi hỏi cái nhìn thẳng, đánh giá khách quan tính thẩm mỹ của tác phẩm chứ không phải xuất phát từ quyền uy trực giác, quyền uy của người phê bình. Những điểm ghi nhận, hay phủ nhận luôn được anh lập luận chặt chẽ, thấu đáo, tạo môi trường đối thoại cởi mở giữa nhà văn - tác phẩm - bạn đọc. Anh tổ chức bài viết hệ thống, bài bản, có mở có kết, đánh giá, biện giải khách quan, tránh được lối phê bình cảm tính khi thẩm định giá trị. Với những gì có trong tay, tôi cho rằng, anh đã nỗ lực làm tròn nhiệm vụ 'rút ruột nhả tơ': 'sáng tạo trên nền của sáng tạo'”.
Dẫu sau, Mạch đời chảy mãi (36 khúc đò đưa thơ và văn xuôi) cũng là một quyển sách chan chứa tình yêu, khát vọng, những bâng khuâng thường nhật của con người mà Nguyễn Văn Hòa tuyển chọn, bình phẩm, tin chắc rằng tôi sẽ đọc lại nhiều lần quyển sách để thấy được cái hay, cái mới qua những lần đọc tiếp theo, nhờ vậy mà tôi cùng sống, cùng trải qua theo mạch cảm xúc của từng nhà văn, nhà thơ trong một “mạch đời” còn “chảy mãi”