Tìm hiểu cách sử dụng phim ảnh như một công cụ dạy học hiệu quả cho học sinh
Với nhiều người, phim ảnh không chỉ là công cụ giải trí. Thực tế, việc xem phim trên lớp còn có thể giúp người học cải thiện kỹ năng ngôn ngữ, cũng như tiếp thu kiến thức.
Đối với học sinh quốc tế tại Anh, phim ảnh giống như một món quà trời cho. “Đó là khoảnh khắc yêu thích của tôi”, Tanya Driver nói, khi cô chỉ vào màn hình lớn đối diện học sinh của mình.
Tại Trường Cao đẳng Keighley, sinh viên thoải mái trước những trò hề của Mr Bean do nam diễn viên Rowan Atkinson thủ vai, đặc biệt phân cảnh Mr Bean đến nha sĩ. Đây là lớp ESOL (tiếng Anh cho người nói ngôn ngữ khác) trình độ đầu vào cấp hai tại Cao đẳng Keighley ở West Yorkshire.
Cô Driver đã dạy tiếng Anh cho học sinh các cấp trong 22 năm. Cô thường chiếu nhiều thể loại truyền hình và phim cho sinh viên trong mỗi năm học. Ngoài “Mr Bean”, nữ giáo viên này cũng cho sinh viên học thông qua các chương trình như “Inside No 9” và một số bộ phim như “Twins” năm 1988 của Arnold Schwarzenegger.
Trong buổi học mới đây, sau khi xem “Mr Bean”, chương trình học được tiếp nối bằng một cuộc thảo luận nhóm về các động từ và cụm từ khác nhau. Giáo viên Driver cũng yêu cầu sinh viên mô tả các tình huống kỳ quặc mà Mr Bean gặp phải.
Tại Anh, các lớp ESOL như vậy rất phổ biến. Theo dữ liệu do chính phủ công bố, năm ngoái, có 144.560 người tại Anh đã đăng ký tham gia. Đáng chú ý, kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra, trường đã chào đón nhiều sinh viên Ukraine, trong đó có ba người cùng tên là: Iryna Zhydetska, Iryna Bielikova và Iryna Baltiuk.
Những sinh viên này nằm trong số nhiều người học tại trường, nơi mà theo giáo viên Driver là có “sự pha trộn quốc tịch thú vị”. Tại trường, sinh viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Syria, Pakistan và Bangladesh.
Giống như những sinh viên Ukraine khác trong lớp, Iryna Zhydetska (65 tuổi) sống ở Anh trong hai năm, kể từ khi cuộc chiến Nga - Ukraine xảy ra. Bà Zhydetska cho biết đã học tiếng Anh khi còn trẻ, nhưng những kiến thức đó dần phai nhạt theo thời gian. Đối với bà, việc sử dụng tivi và phim trong lớp là một công cụ hữu ích để hỗ trợ việc học ngôn ngữ.
“Đó là cách luyện tập tốt vì khi mới đến, tôi không hiểu mọi người xung quanh đang nói gì. Thời điểm đó, tôi hoàn toàn không hiểu gì cả. Tuy nhiên, hiện, tôi hiểu một số từ và thậm chí là câu. Không phải tất cả, nhưng một số”, bà Zhydetska cho biết và chia sẻ, mình là người hâm mộ chương trình làm vườn trên tivi. Bà sử dụng phụ đề để hỗ trợ việc nghe hiểu. “Tôi nghe chương trình và nếu không hiểu họ nói gì, tôi sẽ đọc và dịch”, bà nói.
Tương tự, người học Iryna Bielikova (39 tuổi) phải mất một thời gian để làm quen với việc nói tiếng Anh thường xuyên hơn khi cô thích nghi với ngôi nhà mới. “Đôi khi tôi mắc lỗi, nhưng tôi hiểu mình cần thời gian và luyện tập thêm một chút”, người này chia sẻ. Gần đây, Iryna Bielikova đã có thể xem bộ phim
“Inside Out 2” bằng tiếng Anh tại rạp chiếu phim cùng các con. Trong khi đó, Iryna Baltiuk, cũng 39 tuổi, đã học tiếng Anh ở trường tại Ukraine. Tuy nhiên, cô không còn thực hành nhiều cho đến khi chuyển tới Anh. Cô cho biết, các chương trình truyền hình thực tế của Anh, như “I’m a Celebrity … Get Me Out of Here!” rất hữu ích. Đặc biệt, những chương trình như vậy giúp Baltiuk có thể làm quen với nhiều giọng Anh khác nhau.
Trên thực tế, giáo viên Driver cho biết, người học thường gặp phải một rào cản chung. Điều đó khiến cô quyết định kết hợp tivi và phim vào việc giảng dạy. Nữ giáo viên cho biết, nhiều sinh viên đến lớp có trình độ đọc và viết tốt, nhưng thường gặp vấn đề trong việc hiểu mọi người nói chuyện.
“Sinh viên thường có kỹ năng đọc viết tốt, nhưng họ không hiểu người bản ngữ, giọng Yorkshire. Đó là nơi họ bị mắc kẹt: Bạn có thể nói điều gì đó nhưng khi ai đó nói lại, bạn không hiểu. Vì vậy, cuộc trò chuyện kết thúc. Lợi ích chính của việc xem phim là rèn luyện kỹ năng nghe để hiểu nhiều hơn”, cô Driver giải thích.
Ông John Gray - Giáo sư ngôn ngữ học ứng dụng và giáo dục tại Đại học College London cho biết, người học ngôn ngữ phần lớn thấy dễ dàng để đạt đến một trình độ tiếng Anh nhất định. Tuy nhiên, dần dần, họ sẽ cảm thấy khó hơn.
“Phim có khả năng là một công cụ rất hữu ích để sử dụng trong lớp học ngôn ngữ thứ hai. Bởi, để học một ngôn ngữ, bạn phải tiếp xúc với rất nhiều thông tin đầu vào. Với chương trình học như hiện nay, sinh viên có cơ hội để nghe các cuộc trò chuyện bằng ngôn ngữ đó. Sau đó, nếu bộ phim được chọn lọc kỹ lưỡng, nó cũng có thể mang lại sự khích lệ rất lớn cho người xem”, ông Gray chia sẻ.
Trong bối cảnh này, các tổ chức địa phương cũng bày tỏ sự ủng hộ khi đáp ứng nhu cầu về phim cho những người học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Ông Chris Fell - Giám đốc của liên hoan phim Leeds diễn ra vào tháng 11 cho biết, nhiều phản hồi cho thấy, không ít người xem phim để bổ sung cho việc học ngôn ngữ của họ.
“Nhiều người nhận xét rằng, họ thích nghe những ngôn ngữ mà có thể chưa từng nghe trước đây. Nhiều người đã xem phim bằng ngôn ngữ mà họ đang học, để bổ sung cho những kiến thức mà họ cần”, ông Fell cho biết.
Không chỉ hỗ trợ sinh viên trong việc học ngôn ngữ, phim còn giúp người học tiếp thu thêm nhiều kiến thức. Tại Mỹ, William Diep - sinh viên tại Đại học Columbia chuyên ngành lịch sử và nghiên cứu về nước Mỹ chia sẻ: “Phim ảnh đã dạy tôi rất nhiều về lịch sử nước Mỹ và thế giới.
Tôi lớn lên trong một nền văn hóa tôn vinh phim ảnh, nhưng lại không sử dụng sức mạnh của chúng trong lớp. Bằng cách đưa phim vào lớp lịch sử, giáo viên có thể hỗ trợ học sinh có nhiều phong cách học tập khác nhau, tăng sự tham gia của người học và tạo ra một môi trường thoải mái”.
Trong thời gian phong tỏa vì đại dịch bùng phát, người học này cho biết đã xem bộ phim “Spotlight”. Cô ngay lập tức bị cuốn hút bởi khả năng làm nổi bật lịch sử báo chí và sức mạnh của phương tiện truyền thông trong bộ phim.
“Tôi biết ơn vì được học tập. Tuy nhiên, những ngôi trường mà tôi theo học khi còn là người Mỹ gốc Việt ở Queens không có đủ tài liệu để giúp hình dung những gì đã xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử. Những văn bản viết và in mà chúng tôi tiếp xúc khiến quá trình học trở nên nhàm chán.
Chúng tôi có ít khả năng nắm bắt được ý nghĩa của các sự kiện trong quá khứ. Điều đó khiến tôi tự hỏi: Tại sao phải đọc một bài phát biểu từ một cuộc biểu tình khi bạn có thể nghe trực tiếp từ rạp chiếu phim?”, William Diep chia sẻ.
Nhiều người học cho rằng, phim có thể là cách tốt nhất để sinh viên ghi nhớ thông tin về một chủ đề nhất định. Đặc biệt, quá trình tiếp thu kiến thức sẽ trở nên hiệu quả hơn, nếu bộ phim bao gồm các cảnh quay từ sự kiện có thật.
Đối với những người học bằng văn bản, việc sử dụng phim giúp họ hiểu sâu hơn bằng cách cho phép xem xét lịch sử từ nhiều góc độ. Đối với nhiều người, phim thúc đẩy họ suy ngẫm về những thực tế khắc nghiệt mà cộng đồng phải đối mặt.
“Nhiều bộ phim dạy chúng ta điều gì đó mới mẻ về cuộc sống của những người thuộc nhóm yếu thế trong lịch sử. Đồng thời, khuyến khích chúng ta đấu tranh cho sự thay đổi lớn hơn.
Theo kinh nghiệm của tôi, việc sử dụng nhiều phim hơn trong lớp học lịch sử sẽ nâng cao sự tham gia, tương tác và hiểu biết của học sinh. Trong tương lai, tôi hy vọng rằng có sự cân bằng tốt hơn giữa phim và văn bản trong các bài học hằng ngày. Cách làm đó sẽ tạo ra môi trường lớp học cởi mở. Đồng thời, giúp học sinh dễ tiếp cận hơn với kiến thức”, nữ sinh nhận định.
Một nghiên cứu từ Tạp chí Nghiên cứu Liên ngành Học thuật đã phát hiện, hình ảnh chuyển động trong các tác phẩm phim ảnh đóng vai trò hỗ trợ khả năng ghi nhớ, bằng cách thu hút sự chú ý của học sinh. Một số nghiên cứu khác cho thấy, bằng cách vượt qua những thách thức và sử dụng các nguồn lực sẵn có, nhà giáo dục có thể khai thác sức mạnh của phim để tạo ra những bài học hấp dẫn. Đồng thời, tạo được tiếng vang với học sinh trong thời gian dài sau khi rời khỏi lớp.