Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng công nghiệp văn hoá là ngành đem lại lợi nhuận rất lớn, nhà nước không cần phải đầu tư gì nhiều mà chính là tạo điều kiện cho xã hội phát triển
Sáng 14-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Tờ trình chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết có 7 đối tượng thụ hưởng chương trình gồm: Người dân, cộng đồng dân cư tại các vùng miền của Tổ quốc; cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa, công chúng, khán giả; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; các di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia...
Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035, chia làm 3 giai đoạn. Năm 2025, thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.
Giai đoạn 2026-2030, tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030. Giai đoạn 2031-2035, tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.
Về mục tiêu, đến năm 2030 đạt 9 nhóm cụ thể, trong đó 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa-Thể thao đạt chuẩn; ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước... Theo đề án, Bộ VH-TT-DL là cơ quan chủ trì quản lý chương trình; có trách nhiệm quản lý và giám sát tổng thể về kết quả thực hiện trên cả nước.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết chương trình có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện trước khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, ông đề nghị UBTVQH trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy trình tại 2 kỳ họp, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đồng tình với sự cần thiết ban hành Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng công nghiệp văn hoá là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, là xu thế của thời đại. Tờ trình của Chính phủ có liệt kê nhiều lĩnh vực: Hoạt động văn hoá nghệ thuật, di sản, văn hoá cơ sở, nghệ thuật biểu diễn, mĩ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, điện ảnh..., cuối cùng mới là công nghiệp văn hoá. Tuy nhiên, cách ghi như thế này chưa được cụ thể và bản thân công nghiệp văn hoá đã bao trùm một số cái trên rồi, do đó cần sự rà soát, chỉnh lý để đảm bảo chặt chẽ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị phải dành sự quan tâm rất đặc biệt đến lĩnh vực công nghiệp văn hoá, bởi trên thế giới hiện nay nhiều năm qua công nghiệp văn hoá rất phát triển, trở thành động lực tăng trưởng, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Đây là vấn đề được nhiều nước quan tâm, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy giao lưu văn hoá, hội nhập quốc tế, và nước ta có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hoá.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá của ta giai đoạn 2020-2030 cũng nêu rõ quan điểm, các ngành công nghiệp văn hoá là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, văn hoá nhưng cũng là kinh tế.
"Lâu nay chúng ta cứ hiểu văn hoá là ngành đi tiêu tiền, nhưng trên thế giới hiện nay đây là ngành làm ra rất nhiều tiền, là ngành có giá trị gia tăng rất cao" - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng nhóm nữ ca sĩ Hàn Quốc sang Việt Nam biểu diễn có mấy đêm thôi mà bằng một doanh nghiệp của chúng ta làm trong nhiều tháng; một ca sĩ Hàn Quốc hát bài có điệu nhảy ngựa Gangnam Style lan khắp thế giới về văn hoá; ông Park Hang Seo được vinh danh kết nối văn hoá...
"Những thứ của thời đại mới chúng ta cần chú ý, đấy là công nghiệp văn hoá, là ngành đem lại lợi nhuận rất lớn, nhà nước không cần phải đầu tư gì nhiều, mà chính là tạo điều kiện cho xã hội phát triển" - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.