TP.HCM đang vào mùa mưa - mùa rất "xương" đối với nhóm người buôn gánh bán bưng. Thế nhưng với nhiều phận đời thì các khu ngoại ô này là mảnh đất lành mà họ luôn thầm cảm ơn. Đó là những người bán hàng rong, từ bịch đậu phộng, xiên cá viên tới chai nước, hộp xoài, bao ổi.
Dưới ánh đèn đường màu vàng, đôi tay bà Hoa (trọ ở Bình Thạnh) thoăn thoắt đảo phần bắp xào ngào ngạt vị bơ vàng. Là dân lao động, sống trường kỳ với cái nghề mãi dầm mưa dãi nắng, bà vui vẻ nói: "Ở khu này như không có giờ giấc. Hôm trời mát thì mọi người ra sớm, về sớm. Nhưng có hôm trời nắng thì mọi người ra muộn, vì thế mà về cũng muộn. Mình là dân bán dạo, ra sớm nhất nhưng khi nào cũng nán lại tới cuối cùng. Thời khó khăn, gắng một tí".
Nếu nhắc về các vùng "ngoại ô đêm không ngủ" của TP.HCM, chắc chắn phải kể đến các con đường bao quanh hồ đá làng đại học (Dĩ An, Bình Dương) như đường Nguyễn Du, Võ Ngọc Dung, Marie Curie...
Giữa đêm, ánh đèn vàng xuyên qua các tán lá, lấm tấm rọi xuống vỉa hè trục đường Nguyễn Du. Nhóm sinh viên năm 3 Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) đang say sưa tranh nhau kể các món ngon quê hương.
Dọc tuyến đường này cũng có khoảng chục cặp, nhóm đang ngồi vui chơi, đàn hát. "Phòng trọ nóng quá, nay cuối tuần nên cả nhóm dẫn nhau ra đây hóng gió, cạnh hồ mà gió lên là mát rượi" - Hoàng, một sinh viên trong nhóm, cười tươi nói.
Đây cũng là nơi ông Dương Văn Thắng mưu sinh mỗi đêm
Đây cũng là giờ để những người bán hàng rong như ông Dương Văn Thắng (53 tuổi, quê An Giang) kiếm cơm. Cưỡi con xe cà tàng, cũ rích, ông rảo quanh khu hồ đá làng đại học. Cứ chạy cho tới khi thấy có nhóm người sáng đèn là ông lại rà phanh, chầm chậm tiến lại vui vẻ mời chào.
Từ năm 1999, ông Thắng đã rời quê lên TP.HCM mưu sinh với nghề bán cá viên chiên. Nhiều lần ông muốn nghỉ công việc khổ cực, bấp bênh này nhưng nếu nghỉ cũng chẳng biết làm gì. "Nghề này bán chỉ mong sao chiều ông trời đừng mưa.
Mà cậu biết, mới tuần trước tui đếm nhiều đêm liền ông trời làm mưa. Mà ông trời đã mưa thì ai ra đường nữa, mình bán cho ai", ông Thắng nói.
Gắn bó cùng làng đại học đã hơn chục năm, ông Thắng như "nhân chứng sống" chứng kiến bao chuyện buồn vui nơi đây. Cộng với nghề bán rong, mọi lối mòn cho tới "thế sự nhân gian" nơi đây ông đều nắm rõ trong lòng bàn tay.
Ông kể nhiều năm trước, khi đó sinh viên còn thưa, các trục đường quanh hồ đá làng đại học cũng vì thế mà trở thành nỗi "ám ảnh" không của riêng ai. Sau 20h thì ngay cả ông dù rất cả gan cũng không dám đi.
Riết một thời gian, sinh viên đổ về ở càng nhiều, đèn đường được thắp sáng, công an ráo riết tuần tra... nên tình trạng cướp giật, nghiện hút nơi đây mới giảm hẳn. Chốn lo sợ ngày nào thành chốn vui chơi tuổi trẻ bây giờ.
Những con đường đêm như không ngủ với tình bạn, với hoài bão tương lai và của cả tình yêu đầu đời...
Khi rảo quanh khu vực hồ đá làng đại học, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi ngay giữa khuya, thậm chí rạng sáng, xung quanh hồ đá làng đại học vẫn lỗ chỗ những đốm sáng. Chỉ khi tiến gần đến mới nhận ra đó là ánh sáng từ bộ cảm biến nhận diện chuyển động mà dân câu cá chuyên dùng.
Chú Phước, một cần thủ lão luyện trong nhóm, rọi đèn, cười ra hiệu mọi người nói khẽ. Trời bắt đầu đổ mưa, cả nhóm ai nấy cũng lật đật căng bạt, căng dù đầy chuyên nghiệp. Cả nhóm cười cợt, bảo đúng là "hội trời đày".
Chú kể khắp làng đại học này có cả trăm cần thủ. Từ những người câu cần tre giá vài chục ngàn đến các anh em chuyên nghiệp dùng những bộ cần tiền triệu đến trăm triệu đồng cũng có. Đa số mỗi người một công việc, từ thợ hồ, công nhân cơ khí cho tới dân kinh doanh, công chức.
"Đa số là cá mè, cá tra dầu, trắm đen, cá trôi thì khoảng 5-6kg bình thường, cá tra ông kia múc được con hơn 20kg đó. Câu đã quá nên anh em bên kia chung nhau mua lần cả chục triệu tiền cá mè thả xuống", chú Phước nói.