Theo Phó Thủ tướng, quá trình hội nhập, phát triển của đất nước đã tạo ra rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Đứng trước những lựa chọn phong phú đó, nhiều người vẫn chọn nghề giáo cho dù biết rõ những khó khăn, thách thức đặc trưng của nghề giáo, như thu nhập không cao, điều kiện làm việc khó khăn, nhiều áp lực…
Và thật đáng quý khi nhiều học sinh giỏi, trong đó có những em đạt giải quốc gia, quốc tế vẫn quyết tâm lựa chọn học sư phạm, làm giáo viên.
Lựa chọn nghề giáo, không chỉ là sự dũng cảm, dấn thân mà trên hết là tình cảm yêu thương vô bờ bến đối với các em học sinh.
Nếu không như vậy có lẽ các thầy, các cô không thể trèo đèo, lội suối, băng rừng đến với các em nhỏ ở thôn bản xa xôi, điểm trường heo hút, hay vượt qua bao tất bật lo toan cuộc sống hàng ngày nơi đô thị để vững tin trên bục giảng.
“Điều đó đòi hỏi trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với nền giáo dục, với đội ngũ những người làm công tác giáo dục.
Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm về vấn đề này. Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và các văn kiện Đại hội Đảng đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, các định hướng lớn để phát triển giáo dục; trong đó một trong các nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cá nhân tôi cùng ngành Giáo dục và các Bộ, ngành, cơ quan sẽ tiếp tục nỗ lực để triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ này”, Phó Thủ tướng cho hay.
Nhấn mạnh nghề giáo, nhà giáo cần nhận được sự tôn trọng đúng mức hơn của cả xã hội, theo Phó Thủ tướng, sự tôn trọng không chỉ là những lời chúc hoa mỹ, những bó hoa trong ngày 20/11, mà phải là nhận thức chung của toàn xã hội dành cho nghề giáo, nhà giáo.
Mặt trái của kinh tế thị trường đã khiến truyền thống tôn sư, trọng đạo quý báu của dân tộc ta đôi khi, đôi lúc bị mai một ít nhiều. Ở đâu đó đã có những méo mó, làm mất đi sự tôn nghiêm, trong sáng vốn có của tình thầy trò, mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường, giữa phụ huynh - giáo viên.
Giáo dục không phải là một dịch vụ, một loại hình hay một sản phẩm kinh doanh. Nghề giáo là một nghề hết sức đặc biệt bởi đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn, trí tuệ và thể chất con người.
Nhà giáo cần được tạo môi trường thuận lợi nhất có thể để yên tâm dạy học.
Môi trường sư phạm ở các nhà trường, cơ sở đào tạo phải là môi trường tốt đẹp nhất, nhân văn nhất, nơi chỉ có niềm tin, tình yêu và những bài học làm người.
Muốn vậy, nhà giáo phải được đãi ngộ xứng đáng; điều kiện trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học phải được ưu tiên, quan tâm đầu tư hơn nữa.
Và cần có những ưu tiên đặc biệt với các trường sư phạm, sinh viên sư phạm, những người rồi đây sẽ lan tỏa hình ảnh và tấm gương cao đẹp của người thầy, truyền thụ kiến thức, ươm mầm khát vọng, chắp cánh ước mơ, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ, tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
“Đây là những trăn trở mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT và cả xã hội phải tìm ra lời giải bằng các cơ chế, chính sách mang tính căn cơ, lâu dài để các thầy, các cô toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vinh quang”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Trong giây phút này, không có gì xúc động bằng hình ảnh các thế hệ học sinh đến thăm thầy, cô giáo, rưng rưng nhìn mái tóc thầy cô đã bạc, cầm bàn tay da dẻ đã nhăn nheo, lấm tấm vết đồi mồi.
Trong ánh mắt thầy cô vẫn ánh lên niềm vui khi được gặp lại, được nghe, được cảm nhận sự trưởng thành của những học trò năm xưa. Đó có lẽ là sự tri ân, vinh danh ý nghĩa nhất đối với các thầy, các cô.
Với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, chúng ta hãy dành tình cảm, sự biết ơn, lời chúc, nụ cười, những đóa hoa tươi thắm nhất đến tất cả thầy cô giáo trên mọi miền của Tổ quốc.
Một lần nữa tôi xin gửi lời chúc mừng và tình cảm tốt đẹp nhất tới các thầy cô giáo trên mọi miền tổ quốc nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà