Phòng chống đuối nước cho học sinh: Phải tạo lập được môi trường an toàn

Công Chương | 29/05/2022, 10:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay cả thành phố lớn cũng xuất hiện tình trạng học sinh bị đuối nước. Đáng buồn, tỷ lệ nạn nhân là trẻ em và vị thành niên ngày càng gia tăng.

“Bản thân nhiều lần thấy một số phụ huynh đưa con tới hồ bơi, xuống biển rồi vô tư cầm điện thoại chơi hoặc lo chụp hình mà không hề quan sát con. Nhiều trường hợp đau lòng đã xảy ra trong tích tắc lơ là của cha mẹ…” - chị Bích Ngọc chia sẻ, đồng thời thông tin: Nghỉ hè, nhiều đồng nghiệp đau đầu tìm chỗ gửi con, hoặc không biết cho trẻ chơi ở đâu để an toàn. Thiếu sân chơi cũng khiến cho việc xem tivi, điện thoại trở thành giải pháp mà phụ huynh dành cho các bé dịp này. Đó không phải là giải pháp tốt nhưng phụ huynh không có lựa chọn khác.

Anh Hà Văn Bảy, có con học tiểu học ở quận Phú Nhuận, TPHCM, cho rằng Việt Nam có 2.360 con sông dài trên 10km, với mật độ sông suối, kênh rạch khoảng 0,6 km/km2, vậy mà môn bơi lại chưa được phổ cập ở cấp tiểu học.

“Ngoài môn bơi nên bắt buộc phổ cập ở tiểu học, chúng ta nên đưa ra danh sách gồm 6 - 7 môn để học sinh chọn lựa theo ý thích. Ví dụ, trẻ thích bóng chuyền hoặc bóng rổ thì chọn học từ THCS lên THPT, thậm chí đại học. Như vậy sẽ phát huy được sở trường, đam mê”, anh Bảy chia sẻ.

Em Quỳnh Như - học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Âu Dương Lân, Quận 8, TPHCM - chia sẻ: “Em rất thích bơi, nhưng bố mẹ không có nhiều thời gian để đưa em đi học nên đến nay, em chưa biết bơi. Môn Thể dục ở trường cũng không dạy bơi cho dù em rất muốn học để giảm bớt nỗi sợ mỗi khi gần nước”.

Ở góc độ nhà trường, thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) - cho rằng: Cha mẹ phải đi đầu trong việc giám sát, khuyên răn trẻ không được tự ý ra sông, suối, ao, hồ, các công trường đang thi công để tắm, bơi lội nhất là trong mùa hè nhằm tránh những mất mát đau lòng.

Bên cạnh đó, cha mẹ, nhà trường, các giáo viên chủ nhiệm nên nhắc nhở, giáo dục học sinh, đưa ra các dẫn chứng, kể những câu chuyện, vụ việc về trẻ bị đuối nước mà các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin để rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Đoàn thanh niên các đơn vị, địa phương cũng nên chủ động nhắc nhở, cảnh báo trong dịp sinh hoạt hè để mỗi em luôn ý thức được sự nguy hiểm của việc đi tắm, đi bơi lội ở sông, rạch, ao, hồ...

“Phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không của riêng ai, mà là trách nhiệm của toàn xã hội, cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ như: Phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện các biện pháp tuyên truyền hội viên, đoàn viên của mình trong giáo dục, nhắc nhở con em về ý thức phòng, chống đuối nước. Các cơ quan thông tin đại chúng cần thông tin, giáo dục về phòng chống đuối nước trẻ em đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đặc biệt, chú trọng đến vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao. Gia đình và nhà trường cần trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nâng cao ý thức rèn luyện kỹ năng cứu hộ đuối nước của người lớn…” - thầy Phạm Trung Hữu bày tỏ.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/phong-chong-duoi-nuoc-cho-hoc-sinh-phai-tao-lap-duoc-moi-truong-an-toan-7DsY4lX7g.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/phong-chong-duoi-nuoc-cho-hoc-sinh-phai-tao-lap-duoc-moi-truong-an-toan-7DsY4lX7g.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng chống đuối nước cho học sinh: Phải tạo lập được môi trường an toàn