Văn hóa

Phong tục đón Tết của người Việt xưa

Hà Quàng {Ngày xuất bản}

(GDTĐ) - Tết Nguyên Đán là Tết cổ truyền của người Việt Nam, trải qua bao biến động của lịch sử, nhưng những phong tục ngày Tết vẫn được lưu giữ từ năm này qua năm khác, từ đời này qua đời khác.tet-xua-1.png


Tết xưa: Đốt pháo và đi thăm họ hàng mỗi độ xuân về.

Gìn giữ những thuần phong mỹ tục tốt đẹp

Tết cổ truyền đối với người Việt Nam, không chỉ đơn giản là kết thúc một năm cũ, mở đầu một năm mới âm lịch. Tết là dịp cả gia đình đoàn tụ cùng nhau quây quần bên mâm cơm, cùng nhau thăm hỏi người thân, cùng nhau đi lễ tết, chúc tết đầu năm… cầu mong một năm mới an lành,may mắn, an khang, thịnh vượng

Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm mới theo âm lịch của các nước Đông Á trong đó có Việt Nam.

Vì Tết tính theo Âm lịch nên Tết Nguyên Đán của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch (hay Tết Tây). Do quy luật ba năm nhuận một tháng của âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán sẽ rơi vào khoảng từ ngày 21 tháng 1 Dương lịch đến hết ngày 20 tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).

Để đón chào Tết, người Việt xưa chuẩn bị từ rất sớm. Nhất là ở vùng quê, thường có phiên chợ Tết, mở ra vào khoảng thời gian 5-10 ngày trước Tết. Đến nay, tuy không còn đợi đến gần Tết mới đi chợ mua sắm đồ đạc, nhưng người ta vẫn đi chợ Tết để sắm tết, để thưởng, ngắm và hòa vào không khí tấp nập, đông vui trước thời khắc giao thừa đang cận kề.

Vào dịp giáp Tết gia đình Việt đều có thói quen dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, nhằm dọn bỏ hết đi những điều không may của năm cũ và chuẩn bị đón năm mới với những điều may mắn, tài lộc nhiều hơn.

Tết thì không thể thiếu mâm ngũ gồm 5 loại quả khác nhau, mỗi miền khác nhau thì trưng mâm ngũ quả với những loại quả khác nhau. Nhưng ý nghĩa chung của mâm ngũ quả là thể hiện lòng thành kính đối với trời đất, đối với ông bà tổ tiên đồng thời cầu mong một năm mới với nhiều may mắn, sung túc, tài lộc.

Xong việc ban thờ sẽ là việc chuẩn bị các món ăn, vật phẩm bày biện, trang trí trong nhà ngày Tết. Về cơ bản sẽ là “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Hoặc như một vế của câu đối Tết đã có từ lâu đời: “Cảnh Tết thật là vui, nào tranh, nào pháo, nào áo, nào quần, nào dưa hành, mứt bí, nào giò mỡ, bánh chưng, rượu đánh tít mù, tớ muốn quanh năm xuân tất cả”. Lúc này, công việc chuẩn bị phần lớn phụ thuộc vào cánh phụ nữ. Cánh đàn ông đảm nhiệm những việc cần kỹ năng như mổ lợn, gói bánh chưng.

Ở quê, người trong xóm sẽ cùng nhau mổ lợn, làm giò, làm chả. Một phần thịt ngon sẽ được để dành làm nhân bánh chưng. Không có bánh chưng thì coi như nhà không có Tết.

Tiếp đến là cúng ông Công, ông Táo - Ngày cúng ông Công, ông Táo là ngày 23 tháng Chạp âm lịch, vào ngày này mọi gia đình Việt sẽ dọn dẹp bếp sạch sẽ, mua cá vàng, quần áo, tiền vàng về cúng để ông Công, ông Táo về trời để báo cáo mọi việc với của gia chủ trong suốt một năm qua với Ngọc Hoàng. Đặc biệt, cá vàng sau khi cúng xong thì sẽ được phóng sinh đem thả ra sông, ra suối.

tet-xua-2.png
Mỗi độ Xuân về người dân lại nô nức đi sắm tết.

Cầu mong một năm mới an lành, may mắn

Theo phong tục cổ, giáp ngày Tết, người ta trồng cây nêu ở sân. Cây nêu là một cây tre, phía trên treo một chiếc võng cũng bằng tre, có những chiếc khánh, con cá bằng đất nung kêu leng keng khi có gió. Nếu là một cây tre tươi thì ở ngọn cây thường để lại một ít cành và lá. Trên sân, thường vẽ bằng vôi trắng những hình cung nỏ và tên. Tùy vào một số vùng, cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp, là ngày các thổ thần, táo quân đã về trời. Người xưa quan niệm rằng từ ngày này trần gian vắng mặt thần linh nên ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu. Cây nêu được dựng với mục đích xua đuổi tà ma, mang lại bình yên cho con người trong những ngày Tết.

Chiều tối 30 tháng Chạp, khi người ta bắt đầu cúng tổ tiên để mời các vị về ăn Tết với con cháu. Người Việt xưa dùng tiếng pháo bắt đầu nổ ran, biểu lộ sự vui mừng chào đón năm mới đến với những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến.

Chập tối hôm cuối cùng của năm âm lịch này, xưa kia, nhà nhà đóng cửa sớm. Song ở thành phố, nhất là ở Hà Nội xưa, còn có hoạt động của các chú bé đi “súc sắc súc sẻ” Đó là những cậu bé – thường là con nhà nghèo – đi chúc Tết. Các chú bé gồm 2-3 người, mặc áo dài, người cầm bó hương, người cầm một ống nứa dài khoảng 60-70cm, trong đó có một số đồng tiền bằng kim loại. Đến cửa mỗi nhà, chú thì xóc ống đựng tiền đó, chú thì đọc lời chúc tụng.

Giao thừa, 12 giờ đêm ngày cuối cùng, 0 giờ ngày đầu năm – là giờ trang nghiêm nhất, quan trọng nhất trong những ngày Tết. Đó không đơn giản là giờ đầu tiên của ngày đầu tiên, mà theo tín ngưỡng dân gian, là giờ gặp nhau giữa Trời và Đất, âm – dương; là giờ bàn giao của các vị thánh thần cai quản nhân gian. Người ta làm lễ giao thừa, lễ tổ tiên, Trời, Phật, ông Công, ông Táo, và ở những nhà làm nghề thủ công, lễ cả tổ sư. Tùy theo phong tục từng vùng mà có các bàn lễ trong nhà, ngoài trời với ý nghĩa khác nhau. Có vùng còn đặt bàn lễ bên ngoài gian nhà, dành cho những vong hồn không nơi trú ngụ.

tet-xua-3.png
Mâm cỗ ngày Tết Nguyên đán.

Tết được cử hành ít nhất trong ba ngày. Nhưng ngày Mồng Một là ngày long trọng nhất. Mở cửa đón xuân sáng ngày đầu năm, niềm vui tràn ngập, và người ta lại dùng pháo để bộc lộ tình cảm ấy. Mọi người trong nhà chúc mừng nhau, tặng tiền mừng năm mới cho trẻ nhỏ, lễ Tổ tiên bằng một bữa cổ thịnh soạn nhất, rồi mọi người ăn bữa quan trọng nhất đầu năm. Sau đó, người ta đi lễ Tết, lễ gia tiên, chúc Tết những người có quan hệ họ hàng, xóm giềng, thầy dạy, bạn bè… Những hoạt động lễ nghi, thăm hỏi ấy tiến hành trong suốt ba ngày, song tập trung nhất vào ngày Mồng Một. Mùng hai sẽ là ngày dành để Tết thầy. Mồng ba tết bạn. Cứ thế, ba ngày Tết sẽ là ngày gặp gỡ, giao lưu và thăm hỏi những người xung quanh.

Tết không thể thiếu những trò chơi giải trí trong nhà. Phổ biến nhất, trước đây là chơi tam cúc. Trò chơi này có khi thu hút cả hai ba thế hệ trong gia đình cùng chơi và vì thế, làm cho không khí gia đình rất vui vẻ, đầm ấm.Trẻ em và thanh niên có trò chơi súc sắc, còn những người đứng tuổi thích đánh chắn hoặc chơi tổ tôm, chơi cờ tướng vào dịp này.

Ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch là ngày cuối cùng của Tết, gọi là ngày “khai hạ”, nghĩa là ngày mở đầu một năm sản xuất mới. Theo phong tục xưa thì kể từ ngày đó bà con làm ruộng mới động thổ, các nhà buôn, người làm nghề thủ công mới kinh doanh, hành nghề, quan chức mới khai ấn sau hơn một tuần sắp ấn. Người ta hạ nêu. Mọi việc hoạt động trở lại bình thường, nhưng dư âm của Tết Nguyên Đán chưa chấm dứt.

Trong những ngày hội tưng bừng đó, có những cuộc đốt pháo đặc chế – ống lệnh, có những trò chơi có giải thưởng như: Vật, đánh đu, đáo đĩa; chọi gà; chọi chim; qua cầu độc mộc; leo cột mỡ; thổi cơm thi; đua thuyền…Cứ thế, hết tháng Giêng mới hết hội.

Đến nay, thứ tự diễn tiến Tết của người Việt đã có sự giản lược đi nhiều. Nhưng về cơ bản, tinh thần Tết hầu như vẫn được giữ nguyên như xưa. Những phong tục đó vừa gần gũi, giản dị nhưng cũng đầy ý nghĩa. Chúc mọi người một năm mới sức khỏe, tài lộc./.

Bài liên quan
Tết 'Bươn Chiêng' của dân tộc Thái
(GDTĐ) - Đối với đồng bào dân tộc Thái, trong rất nhiều lễ tết hàng năm, họ chỉ "ăn Tết" 3 lần: "Chiêng Xam" Tết Thanh minh, “Xíp Xí” và quan trọng nhất là Tết Nguyên đán “Bươn Chiêng”.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phong tục đón Tết của người Việt xưa