Văn hóa

Tết 'Bươn Chiêng' của dân tộc Thái

Hà Quàng( T/h) 27/01/2024 06:24

(GDTĐ) - Đối với đồng bào dân tộc Thái, trong rất nhiều lễ tết hàng năm, họ chỉ "ăn Tết" 3 lần: "Chiêng Xam" Tết Thanh minh, “Xíp Xí” và quan trọng nhất là Tết Nguyên đán “Bươn Chiêng”.

mam-cung-thai.jpeg
Mâm cơm cúng tổ tiên của Tết Nguyên đán “Bươn Chiêng” của dân tộc Thái.

Đối với đồng bào dân tộc Thái, Tết Nguyên đán - Tết cổ truyền của toàn dân tộc Việt Nam, được người Thái gọi bằng cái tên là “Bươn Chiêng". Tết Bươn Chiêng của người Thái có nhiều phong tục rất thú vị, mang đậm nét đặc trưng riêng có. Đồng bào Thái quan niệm rằng không cần phải chuẩn bị Tết quá sớm như những người Thái ở nơi khác, bởi vì theo họ cần phải giải quyết việc ruộng đồng, nương rẫy xong mới chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa đón Tết.

Đặc biệt, vào ngày 23 tháng Chạp, họ không cúng ông Công ông Táo bằng các lễ vật như cá, mũ Táo quân... mà chỉ rót chén rượu và thắp hương báo cáo với tổ tiên về việc dọn dẹp nhà cửa. Người Thái rất kiêng kỵ khi làm gì liên quan đến nhà cửa, vì vậy muốn dọn dẹp, trang trí nhà phải báo cáo với tổ tiên cho phép.

Phiên chợ 25 tháng Chạp là phiên chợ cuối cùng và lớn nhất trong năm của người Thái. Họ xuống chợ mua sắm tết, sau đó là nghỉ ngơi chơi tết. Và từ ngày này bà con bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, người phụ nữ trong gia đình quét dọn mọi ngóc ngách dưới sàn, dưới sân, lối vào nhà, chuồng trại... thật sạch sẽ.

Người đàn ông là trụ cột trong gia đình mới được phép dọn dẹp trên bàn thờ tổ tiên: Thay bát hương, lau chùi, dán giấy đỏ xung quanh, sắp xếp lại tất cả mọi thứ trên bàn thờ, để lên đó nải chuối, bánh kẹo, buộc thêm 2 cây mía ở hai bên cạnh tượng trưng cho hai chiếc thang để đón tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.

Sáng 29 Tết, người Thái mổ lợn, nhà nào cũng làm vài mâm mời tất cả anh em, họ hàng, thông gia, con cháu đến. Đến tối, mọi người bắt đầu gói bánh chưng. Bánh chưng cổ truyền của người Thái không có nhân thịt, hành, đỗ bởi theo quan niệm của đồng bào nơi đây, hương vị tết trong bánh chưng chủ yếu nằm ở lá dong.

mam-com-khach-nguoi-thai.jpg
Mâm cơm đón khách của người dân tộc Thái.

Tối 30 tết là bữa cơm tất niên, là dịp người thân, bạn bè quây quần, cùng nhau uống rượu đến sáng. Trong đêm cuối cùng của năm, người Thái có phong tục giữ cho hương cháy liên tục, không để tắt và làm mâm cơm thịnh soạn để cúng và mời tổ tiên về ăn Tết ngay trước khi ăn bữa tối.

Đến khoảnh khắc Giao thừa, họ không mổ gà để cúng như tục lệ của người Kinh mà chỉ rót rượu, chè để thắp hương cho tổ tiên. Đúng vào giây phút Giao thừa, người Thái thực hiện lễ rước Hảng cống, mang trống, chiêng từ nhà đến địa điểm như nhà văn hóa, sau đó tất cả mọi người tụ tập, có cả già làng, trưởng bản sẽ đánh trống, chiêng với mong muốn năm mới tốt đẹp, may mắn hơn; ai cũng đều được đánh trống, nếu không sẽ không được may mắn trong năm mới.

Điểm khác biệt trong tết cổ truyền của người Thái là tục gọi hồn cho những người đang sống. Để gọi hồn, thầy cúng lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa.

Kết thúc buổi gọi hồn, thầy cúng đích thân buộc vào cổ tay mỗi thành viên trong gia đình một sợi chỉ đen để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu cố ý làm đứt thì chủ nhân dễ bị ốm hoặc gặp chuyện không hay trong năm mới.

Sáng mùng 1 người Thái dậy sớm, múc nước luộc bánh chưng cho mỗi người uống một ít. Những người phụ nữ trong nhà hôm mùng 1 tết được đem xôi ra quạt ở giữa gian cúng ma nhà, nơi bình thường họ không được đến.

Vào sáng mùng 1 Tết, người Thái kiêng không đi chúc Tết hàng xóm mà chỉ có con cháu trong gia đình đem rượu, mứt, bánh chưng đến Tết bố mẹ đẻ. Ngày mồng 2 đi Tết bố mẹ bên vợ và từ ngày mùng 3 đến rằm tháng Giêng bắt đầu vui chơi cộng đồng với các trò chơi dân gian.

nem-con.jpeg
Ném còn là một trò chơi truyền thống không thể thiếu vào ngày Tết.

Từ chiều mùng 1, nam nữ thanh niên bắt đầu đi chơi, đến nhà nào có thể ăn uống và ngủ luôn tại đấy. Mỗi cuộc du xuân năm mới kéo dài nhiều ngày, có khi qua rằm tháng Giêng mới trở về nhà. Tết Nguyên đán của người Thái có nhiều hoạt động vui chơi dân gian như: ném còn, múa khèn, đẩy gậy, nhảy sạp, khua luống, hát khắp, đánh cù, đánh mảng, đi cà kheo, bắn nỏ… làm nên không khí náo nhiệt những ngày đầu xuân. Đặc biệt là chơi ném còn cũng là hình thức cầu may của người Thái, bởi nếu ai ném trúng thì báo hiệu một năm mới sẽ được may mắn, thuận lợi trong mọi việc.

Người Thái chơi Tết với hình thức tìm một bãi đất rộng làm một cái sàn, sau đó con gái chưa chồng lên sàn thêu, dệt, se tơ; còn con trai chưa vợ mang khèn, vè, sáo... đến hát xin lên sàn. Các chàng trai Thái vừa hát vừa leo lên sàn trò chuyện hát đối với các thiếu nữ. Cũng từ lễ hội mùa Xuân này mà nhiều đôi lứa đã nên vợ nên chồng và chung sống hạnh phúc với nhau.

tro-choi-tet.-theo-bao-lai-chau.jpeg
Những trò chơi của người Thái vào dịp Tết. Ảnh: Báo Lai châu.

Theo tục lệ của người Thái, trong mấy ngày Tết, mỗi gia đình sẽ chọn một ngày nhất định để tổ chức ăn Tết hay còn gọi là ngày cúng tổ tiên sơ. Vào ngày đó họ sẽ mời anh em họ hàng và và người dân trong bản.

Trong những ngày Tết, tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng khắp các bản, đặc biệt là buổi chiều và buổi tối sau khi mọi người đã đi chúc Tết xong thì già trẻ gái trai cùng nắm tay nhau trong điệu múa xòe tại những bãi đất rộng, bằng phẳng hoặc ở khoảng sân rộng của một gia đình trong bản...

Người Thái cúng tổ tiên theo lịch can chi 12 con giáp, có nơi 5 ngày cúng một lần, có nơi 10 ngày. Do vậy nếu ngày cúng trùng một trong các ngày tết thì họ sẽ chọn đúng ngày đó để mời anh em họ hàng. Nếu không trùng sẽ phải chọn một ngày khác nhưng phải là ngày ít kiêng kỵ đối với gia đình họ. Nền văn hóa của người Thái được tính lịch theo mặt trăng Âm lịch nên từ nhiều đời nay người Thái ăn Tết trùng với Tết Nguyên đán của dân tộc Việt Nam. Tuy vậy, Tết của đồng bào Thái lại có những nét văn hóa đặc sắc riêng mang yếu tố tâm linh và thần thoại.

Bài liên quan
Những phong tục truyền thống dịp Tết Nguyên đán
(GDTĐ) - Tết Nguyên đán được cho là bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp và kéo dài tới Rằm tháng Giêng... với các tục lệ được thực hành theo nghi thức cổ truyền. Tết nay dù đã khác xưa, nhưng những giá trị tốt đẹp vẫn được lưu truyền.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tết 'Bươn Chiêng' của dân tộc Thái