(GDTĐ) - Tết Nguyên đán được cho là bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp và kéo dài tới Rằm tháng Giêng... với các tục lệ được thực hành theo nghi thức cổ truyền. Tết nay dù đã khác xưa, nhưng những giá trị tốt đẹp vẫn được lưu truyền.
Cúng ông Công, ông Táo
Theo phong tục truyền thống, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày ông Công, ông Táo lên thiên đình báo cáo mọi việc trong gia đình nhà chủ với Ngọc Hoàng. Vào ngày này, mọi người thường dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, làm một mâm cơm cúng, tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Trong nghi lễ cúng không thể thiếu mũ, áo mã bằng giấy và một hoặc ba con cá chép vàng được thả trong một chậu nước để ông Táo cưỡi về trời.
Ông Táo cũng là đại diện cho sự ấm no, hạnh phúc của gia đình. Do đó, sau nghi lễ tiễn ông Công ông Táo về trời, cá chép được mang đi phóng sinh. Nếu không dùng cá chép thật thì gia đình có thể sử dụng cá chép bằng giấy sau đó hoá cùng mũ áo.
Tảo mộ
Sau ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp, con cháu trong gia đình sẽ đi thăm và quét dọn mồ mả tổ tiên. Họ mang theo hương, hoa quả đến cúng lễ và mời vong linh tổ tiên về nhà ăn Tết với con cháu.
Tảo mộ không chỉ thể hiện đạo hiếu và nhớ về tổ tiên mà còn là sự duy trì, tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn của gia đình.
Chưng hoa dịp Tết
Vào dịp lễ Tết, mọi gia đình đều bày biện thêm hoa tươi để mang lại không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày Tết.
Ở miền Bắc, người dân thường chọn cành đào đỏ cắm ban thờ hoặc cây đào, cây quất để trang trí trong nhà, ngoài hiên. Màu đỏ của hoa đào, hay cây quất có lá xanh, quả vàng, hoa trắng... đều tượng trưng cho tài lộc, may mắn sẽ tìm đến trong năm mới.
Ở miền Trung và miền Nam, người dân chọn hoa mai, hoa cúc theo quan niệm màu vàng tượng trưng cho sự cao sang, quyền quý, sự phát triển và thăng tiến.
Nhiều loại hoa khác cũng được ưu tiên bày biện dịp Tết như hoa thược dược, hoa dơn, hoa ly... cũng là thêm hương sắc đặc trưng của mùa xuân cho Tết.
Gói bánh chưng, bánh tét
Ở các gia đình, khoảng từ 27, 28, 29 Tết, mọi người sẽ quây quần bên nhau gói bánh chưng, bánh tét. Đây là hai loại bánh biểu trưng cho sự hoà hợp giữa trời đất, âm dương, hình thành bằng những sản vật thu được từ sự lao động của người dân.
Lúc gói bánh chưng, gia đình cùng nhau chuẩn bị, gói bánh, đun bếp chờ vớt bánh, cũng được coi là hoạt động đáng mong chờ nhất với trẻ em mỗi khi Tết đến, đây cũng là dịp người lớn cùng nhau trò chuyện, ôn lại chuyện cũ, kể của năm vừa qua và hy vọng về một năm mới đầy đủ, sung túc, thành công hơn.
Dựng cây nêu
Tương truyền, hàng năm để tránh việc ma quỷ đến phá đám dịp đầu năm mới, nhiều nơi có tục dựng cây nêu để đón điều may vui, báo hiệu với những thế lực xấu rằng nơi đây đã có chủ, ma quỷ không được phép quấy nhiễu.
Cây nêu thường là cây tre cao khoảng 5-6 mét. Ngọn cây treo nhiều thứ bằng giấy vàng bạc, bùa trừ tà, bầu rượu bện thêm rơm, cạnh đó có treo một cái lồng đèn nhỏ, vừa mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, những điều xui xẻo, vừa mang ý nghĩa soi đèn để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Cây nêu được dựng từ ngày 23 tháng Chạp đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng thì được hạ xuống.
Bày mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả ý chỉ 5 loại quả có ý nghĩa tốt đẹp được bày trên ban thờ, là đại diện cho những lễ vật con cháu dâng lên tổ tiên của người Việt. Tuỳ vào vùng miền khác nhau mà mâm ngũ quả có các loại quả khác nhau với ngôn ngữ thể hiện khác nhau. Mâm ngũ quả thể hiện mong muốn một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý, đầy đủ, sung túc đến với gia đình.
Chợ Tết
Phiên chợ Tết bao giờ cũng đông vui, nhộn nhịp hơn phiên chợ ngày thường. Mọi người đi chợ Tết không chỉ để mua bán sắm sửa đồ dùng cho ngày Tết mà còn để gặp mặt nhau, tận hưởng cái không khí những ngày giáp Tết.
Làm lễ cúng gia tiên
Theo phong tục của người Việt, trong mỗi gia đình đều có ban thờ tổ tiên, ông bà. Tuỳ vào từng gia đình mà có cách trang trí, sắp đặt ban thờ khác nhau.
Vào ngày cuối năm, mỗi gia đình đều lau dọn ban thờ để chuẩn bị đón Tết. Chiều 30 tháng Chạp, thức ăn và trái cây sẽ được sắp xếp lên ban thờ, đây là lễ vật dâng lên ông bà tổ tiên, mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Nhân buổi lễ này, nhiều gia đình cũng làm cơm tất niên, quây quần bên nhau ăn bữa cơm sum họp đầm ấm chiều cuối năm.
Đón giao thừa
Thời điểm gia thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là khoảnh khắc thiêng liêng đất trời giao hoà. Đón giao thừa là hoạt động mang ý nghĩa xua đuổi điềm xấu của năm cũ, đón nhận những điều tốt đẹp của năm mới. Lễ cúng giao thừa vừa được thực hiện ở trong nhà, nơi ban thờ tổ tiên, vừa được thực hiện ngoài trời với ý nghĩa về sự tế lễ trời đất.
Hái lộc
Từ sau khoảnh khắc giao thừa, người Việt sẽ đi hái lộc đầu năm với mong muốn rước lộc về nhà để đón một năm mới nhiều may mắn, phát lộc phát tài.
Xông đất đầu năm
Bước sang năm mới, gia chủ thường chọn người bước vào nhà mình đầu tiên để xông đất. Người này phải là người hợp tuổi với gia chủ, hiền lành, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt với mong muốn mọi điều đều thuận lợi, tốt đẹp.
Xuất hành
Vào sáng mùng Một tháng Giêng, mọi người chọn hướng, chon giờ và chọn phương tiện để ra khỏi nhà sao cho hanh thông, thuận lợi, gặp nhiều điều tốt lành để mở ra những hành trình tốt lành cho năm mới. Nhiều người chọn đi lễ chùa hoặc về thăm ông bà, cha mẹ.
Chúc Tết và lì xì đầu năm
Chúc Tết và lì xì đầu năm là nét đẹp văn hoá trong ngày Tết. Mọi người đến thăm nhà nội, nhà ngoại, mang theo quà mừng cho gia chủ. Con cháu chúc thọ ông bà cha mẹ và những người lớn tuổi với những lời chúc năm mới sức khoẻ dồi dào, may mắn, bình an. Lời chúc có thể đi kèm bao lì xì đỏ với ý nghĩa về sự phúc lộc, đoàn viên và hạnh phúc.
Đi lễ chùa
Đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp văn hoá tâm linh của người Việt. Mọi người đi lễ chùa ngày Tết sẽ cầu cho cả năm mới may mắn, hạnh phúc, đồng thời còn là việc để tỏ lòng thành kính của mình đối với Đức Phật, tổ tiên.
Đi lễ chùa dịp đầu xuân còn khiến bản thân mỗi người trở nên thanh tịnh, gột rửa những điều cũ, bắt đầu cho một năm mới với những điều may mắn, tốt đẹp.
Khai bút đầu năm
Cùng với đi lễ là việc xin chữ, khai bút đầu năm, đây cũng là một nghi thức cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình, người thân. Mỗi người thường xin chữ tương ứng với mong muốn và tâm nguyện của mình trong năm mới, nhưng tất cả đều hướng tới sự tốt lành, an khang, thịnh vượng cho cả gia đình.
Những phong tục ngày Tết tuỳ theo từng vùng miền sẽ có những biến tấu hoặc những nét đặc trưng riêng, sự thống nhất hay riêng có đều trở thành nét văn hoá độc đáo làm giàu thêm truyền thống tốt đẹp của người Việt, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.