Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, các trường học có tổ chức bán trú đều ký hợp đồng cung ứng thực phẩm giữa doanh nghiệp và nhà trường, thực hiện nghiêm quy định sử dụng nguyên liệu thực phẩm. Theo đó, các loại thực phẩm, hàng hóa cung ứng cho các đơn vị trường học phải có bao bì, nhãn mác quy định hạn sử dụng, cung ứng thực phẩm gia súc, gia cầm phải có giấy kiểm dịch của y tế cho phép sử dụng. Đặc biệt, việc lưu mẫu thực phẩm đúng quy định, thời gian là 24 tiếng đồng hồ được chú trọng.
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hoàng Chinh, khó nhất vẫn là kiểm soát chất lượng bữa ăn cũng như công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở các nhóm trẻ gia đình. Mặc dù đội ngũ cấp dưỡng, chủ nhóm trẻ đều được tham gia các lớp bồi dưỡng về cấp dưỡng, nhưng do quy mô lớp nhỏ, số lượng trẻ ít nên việc thực hiện hợp đồng cung ứng thực phẩm với các doanh nghiệp khó thực hiện.
Bếp ăn bán trú Trường Tiểu học Xuân Phương (Hà Nội) luôn đảm bảo vệ sinh, an toàn. Ảnh minh họa |
Ngày 20/11, tại Trường iSchool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 200 học sinh phải nhập viện cấp cứu, trong đó có một học sinh tử vong.
Từ sự cố này, nhiều nhà trường đang phải khẩn trương rà soát, siết chặt quản lý các bếp ăn bán trú trong nhà trường.
Bộ GD&ĐT cũng có văn bản đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo nhà trường các cấp thực hiện nghiêm túc quy định liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm trong cơ sở giáo dục; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh về việc này. Bộ cũng lưu ý các trường phải kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định.
Sử dụng thực phẩm được nấu chín và nước đã đun sôi. Nghiêm cấm cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.
Văn bản trên cũng đề nghị các địa phương lưu ý tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không bảo đảm. Các nhà trường phải có kế hoạch duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh trong các cơ sở giáo dục, tổ chức vệ sinh, khử khuẩn, thu gom rác thải xung quanh trường.
Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho học sinh cần được phối hợp chặt chẽ để thống nhất về kế hoạch hành động giữa các nhà trường với chính quyền và gia đình học sinh. Việc vệ sinh an toàn thực phẩm phải được thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên để kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm.