Thay vào đó, hai vợ chồng chị định hướng con tham gia các trại hè kéo dài từ 2 tháng, bên cạnh đó là những chương trình tìm hiểu về văn hóa, lịch sử đất nước, hoặc các trại hè về nghệ thuật như vẽ tranh, nhạc kịch, bơi lội… để có tính ứng dụng nhiều hơn. Chị cũng để con đưa ra các yêu cầu về chương trình ngoại khóa và thảo luận cùng bố mẹ.
Tương tự, chị Thúy ưu tiên chọn cho con những trại hè kéo dài ít nhất 2 tháng để con có trải nghiệm đủ lâu, đồng thời không quá nhiều ngày nghỉ ở nhà. Phụ huynh này cũng đặt ra một số tiêu khác trước khi chọn trại hè cho con như trại hè phải được tổ chức bán trú, từ thứ 2 đến thứ 6 và gần nhà để bố mẹ tiện đưa đón.
Không những thế, chị Thúy cũng đặt ra những tiêu chí về nội dung chương trình để phù hợp với sự phát triển của con. Khác với năm ngoái, năm nay, chị Nguyễn Thúy ưu tiên lựa chọn trại hè có các chương trình học phát triển cảm xúc, đồng thời tăng vận động cho trẻ.
“Mỗi giai đoạn, con lại có nhu cầu phát triển khác nhau. Ví dụ, năm ngoái, tôi ưu tiên việc con tự tin, tự lập khi vào lớp 1. Còn năm nay, con lớn hơn, các kỹ năng đó đã được hình thành, tôi muốn con tiếp tục phát triển cảm xúc, giao tiếp, khám phá và tăng vận động sau một năm học văn hóa căng thẳng", chị Thúy nói.
Một số phụ huynh để con đưa ra các yêu cầu về chương trình ngoại khóa và thảo luận cùng bố mẹ trước khi đăng ký. Ảnh minh họa: VUS. |
Xác định mục tiêu là vậy, thế nhưng, khi các chương trình trại hè mọc lên như nấm, chị Nguyễn Thúy cũng phân vân giữa nhiều lựa chọn. Mỗi khi lướt Facebook, cứ thấy bất kỳ đơn vị nào quảng cáo về trại hè cho trẻ, chị Thúy đều xem qua. Nếu đáp ứng được một số tiêu chí, chị sẽ tiếp tục tìm hiểu kỹ hơn.
Tuy nhiên, lo ngại chất lượng của trại hè, phụ huynh này không hoàn toàn tin vào quảng cáo. Chị cho rằng những đánh giá của phụ huynh từng trải nghiệm mới là nguồn tham khảo chân thực nhất. Chính vì vậy, chị thường tham gia các hội nhóm để xin tư vấn hoặc đọc các chia sẻ trải nghiệm của phụ huynh.
Gần một tháng, chị Thúy đã tìm hiểu tới 15 khóa trại hè khác nhau và lựa chọn được 2 khóa khá ưng ý. Theo đó, một khóa sẽ phát triển giao tiếp của con, con cũng được khám phá những điều xung quanh cuộc sống. Bên cạnh đó, con học bơi, bóng rổ để tăng vận động.
Trong khi đó, khóa còn lại lại ưu tiên phát triển cảm xúc, trí tuệ của con, dạy con biết yêu thương, trân trọng hay biết cách ứng xử. Hai khóa này có mức phí lần lượt là 19,5 triệu đồng và 22 triệu đồng cho 2 tháng tham gia.
Chị Thúy chia sẻ các khóa trại hè đều dao động ở mức phí trên dưới 20 triệu đồng/khóa. Vì vậy, chị không quá đắn đo về sự chênh lệch giá cả. Nếu tìm được chương trình phù hợp với tiêu chí đặt ra, chị sẵn sàng đăng ký.
“Tôi vẫn chưa ‘chốt' khóa nào, phần vì còn phân vân nội dung chương trình, phần vì đến đầu tháng 6, các khóa trại hè trên mới khai giảng. Tôi cũng muốn con trải nghiệm thử một buổi, lắng nghe ý kiến của con rồi mới đăng ký", chị Thúy chia sẻ.
Theo chị Quỳnh Hoa, xuất phát từ việc các gia đình mong muốn tìm cho con một nơi để sinh hoạt, giải phóng năng lượng sau một năm học vất vả, nhiều trung tâm “mọc” lên, mời chào các khóa học hè. Tuy nhiên, nhiều chương trình không giống với những gì họ quảng cáo.
“Khi các bên xây dựng chương trình, họ thường đặt lợi nhuận mà quên rằng mục đích chính là làm giáo dục, chứ không phải làm kinh doanh du lịch”, chị Hoa chia sẻ.
Theo quan điểm của chị, khi cho con tham gia một chương trình kéo dài, gia đình sẽ quan tâm đến các tiêu chí: Đơn vị tổ chức là ai? Họ đã làm bao nhiêu chương trình tương tự? Địa điểm tổ chức ở đâu? Cơ sở vật chất nơi tổ chức trải nghiệm? Sau đó mới là khung chương trình, thời gian biểu trong ngày.
“Bất kể là chương trình ngắn hay dài, gia đình vẫn luôn kỳ vọng vào chất lượng của mỗi chuyến đi, bởi những điều nhỏ nhất cũng có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của con tại thời điểm đó”, chị Hoa chia sẻ.