Đối với Trung Quốc, việc kiểm soát lệnh cấm dạy kèm trở thành cuộc chơi không có hồi kết. Sau khi chính sách “giảm kép” được công bố vào tháng 7/2021, hàng nghìn công ty dạy kèm chuyển đổi thành những tổ chức phi lợi nhuận hoặc phải ngừng hoạt động. Song, nhiều trung tâm đi ngược lại lệnh cấm. Các tổ chức phi lợi nhuận điển hình được cho phép tính phí chỉ 20 nhân dân tệ cho 30 phút học. Trong khi đó, công ty tư nhân từng tính phí khoảng 100 nhân dân tệ hoặc cao hơn. Họ có thể “lách” bằng cách mở lớp học trực tuyến, thu học phí cùng lúc từ hàng trăm người học. Để vẫn thu lợi lớn, hàng loạt trung tâm dạy kèm chuyển sang hoạt động “chui”.
Nhiều phụ huynh tại Trung Quốc cho biết, lệnh cấm cũng khiến học phí trở nên đắt đỏ hơn. Đồng thời, chính sách đã nới rộng khoảng cách giữa những người giàu và nghèo. Trong khi thực tế, đó lại chính là điều mà lệnh cấm muốn thu hẹp. Các lớp học nhóm gần như đã ngừng hoạt động.
Trong khi đó, chi phí dạy kèm một thầy một trò lại tăng lên. Tại các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh và Thượng Hải, một số gia sư một kèm một đang tính phí tới 3.000 nhân dân tệ (430 USD)/giờ. Con số này cao hơn ít nhất mười lần so với trước đây và bằng khoảng 1/4 mức lương trung bình hằng tháng của nhân viên văn phòng ở những thành phố này.
Vì lý do này, Gong Erkang đã ngừng đưa hai con của mình đi học thêm, ngay cả khi nam phụ huynh này nghi ngờ rằng, trẻ tiếp thu không tốt như trước. “Tôi cảm thấy bất lực. Trước đây, tôi có thể cho con đi học đại trà, nhưng giờ thì không còn gì cả”, anh Gong - một biên tập viên video, cho biết.
Học phí hằng tháng từng tốn vài trăm nhân dân tệ, nhưng giờ đây, mỗi buổi “đã đắt hơn gấp vài lần”. Quyết định cấm học thêm đã ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến các gia đình bình thường. Trong khi đó, những gia đình có điều kiện sẽ luôn có thể tìm ra những cách khác.
Các chuyên gia nhận định, mấu chốt của vấn đề là sự cạnh tranh khốc liệt trong các trường học. Chen Zhiqin - một nhà phát triển phần mềm giáo dục - cho biết: “Có quá ít lựa chọn cho học sinh. Điểm số ở Zhongkao của học sinh quyết định liệu một người có tiếp tục theo học tại các trường trung học phổ thông hay vào trường dạy nghề”.
Cụ thể, nếu điểm không cao, học sinh buộc phải đi học nghề thay vì các trường phổ thông. Điều này khiến sự cạnh tranh ngày một khốc liệt. Những học sinh không làm tốt sẽ đến trường nghề và được dạy các kỹ thuật để làm việc, chẳng hạn như dịch vụ làm tóc và ăn uống. Đối với một số phụ huynh, sự lựa chọn đó là không tốt. Do đó, nhiều phụ huynh cho rằng, các trường dạy nghề đã bị kỳ thị trong nước trong một thời gian dài.
“Nếu một đứa trẻ vào trường trung học, ngay cả khi đó không phải là trường ưu tú, thì sẽ có một môi trường học tập tốt. Nhưng nếu trẻ em vào các cơ sở dạy nghề, về cơ bản là chúng sẽ ngừng học”, nữ phụ huynh Yuan nhận định.
Với hy vọng nâng cao hình ảnh của các trường dạy nghề, Trung Quốc đã sửa đổi Luật Giáo dục dạy nghề vào năm ngoái. Tân Hoa Xã đưa tin, giờ đây giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông đều quan trọng như nhau. Trung Quốc đồng thời khuyến khích phát triển các hình thức giáo dục nghề nghiệp khác nhau. Đây là lần sửa đổi lớn đầu tiên của luật trong 25 năm.
Song, những phụ huynh như cô Yuan sẽ không lay chuyển. Cô nói: “Nhiều phụ huynh biết rằng, giáo dục nghề nghiệp không được chú trọng như vậy”. Theo chuyên gia Chen, trong mọi trường hợp, rất ít trẻ em thực sự cần học thêm. Tuy nhiên, nhiều trung tâm dạy thêm đã ép học sinh học vượt chương trình trước kỳ thi tuyển sinh trung học và đại học.
“Các trung tâm đã đặt ra vạch xuất phát từ trường trung học, trung học cơ sở và thậm chí là tiểu học. Trẻ bị cuốn vào một cuộc đua với nội dung không phù hợp. Nếu cơ chế tuyển chọn nhân tài của đất nước không thay đổi, sự cạnh tranh lén lút này sẽ tiếp diễn”, chuyên gia Chen cho biết.
Chính sách cắt giảm kép được đưa ra với mục đích giảm bớt gánh nặng cạnh tranh học thuật, nhưng theo cô Lu, nó đã mang đến điều ngược lại. Cô tin rằng, các phụ huynh phải “nỗ lực nhiều hơn nữa”.
Nữ phụ huynh này lần đầu tiên gửi con trai mình đến các lớp học thêm và bồi dưỡng khi trẻ mới 5 tuổi, sau khi nhận ra rằng, một số bạn cùng trang lứa của cậu bé đã có thể giao tiếp bằng tiếng Anh trong khi cậu “không biết gì”.
“Đó là một đòn giáng mạnh vào tôi”, cô Lu nói. Nữ phụ huynh đồng thời bày tỏ lo lắng rằng, sau này, con mình sẽ thua kém các bạn cùng lứa nếu cô không can thiệp kịp thời. “Nếu cha mẹ cảm thấy rằng, sự phát triển của con mình phụ thuộc vào bản thân trẻ, thì họ rất vô trách nhiệm. Họ không sắp xếp thứ tự ưu tiên của mình”, nữ phụ huynh chia sẻ.
Theo CNA