Phụ nữ khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số

Minh Phong | 14/01/2023, 13:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng 14/1, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Phụ nữ khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số”.

Tại buổi Tọa đàm, hai diễn giả là ông Hoàng Tiến Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Telecom và bà Joana Hạnh Nguyễn - Chủ tịch sáng lập Công ty Dược mỹ phẩm Nacomedi, CEO Học viện Giáo dục truyền cảm hứng - đã chia nhiều nội dung liên quan đến cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với khởi nghiệp nói chung và phụ nữ khởi nghiệp nói riêng.

Hai diễn giải cũng chia sẻ nhiều kiến thức, kỹ năng để có thể khởi nghiệp trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển. Chẳng hạn như, thay vì kinh doanh truyền thống có thể thực hiện những video, clip ngắn mang tính trẻ trung, hiện đại và “bắt trend” để đăng trên TikTok, Facebook, Youtube…

Phụ nữ khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số ảnh 1

TS Dương Kim Anh chia sẻ tại chương trình.

TS Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho hay, Học viện phối hợp cùng nhãn hàng Sunlingt – Unilever Việt Nam triển khai đào tạo trực tuyến dành cho 10 nghìn phụ nữ gồm: Doanh nhân, chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh và sinh viên nữ. Họ là những người có ý định khởi nghiệp, kinh doanh hoặc quan tâm, muốn hiểu rõ hơn về kinh doanh, khởi nghiệp.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”, hướng đến mục tiêu nâng cao quyền năng kinh tế của 1 triệu phụ nữ đến năm 2025, thông qua việc truyền cảm hứng và đào tạo kiến thức, kỹ năng kinh doanh. Theo đó, các học viên được cấp tài khoản vào lớp, chủ động và linh hoạt học tập.

Năm 2022, khóa học “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế" có hơn 5 nghìn học viên; trong đó có 100 học viên hoàn thành xuất sắc khóa học và được cấp Chứng chỉ.

Phụ nữ khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số ảnh 2

PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện trao Giấy chứng nhận cho cho các học viên hoàn thành khóa học “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”.

TS Dương Kim Anh cho biết, sau 7 tháng triển khai, từ tháng 6/2022-30/1/2023, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã chiêu sinh đạt hơn 11.500 học viên, vượt chỉ tiêu hơn 1,5 nghìn học viên; trong đó có trên 5 nghìn học viên hoàn thành 100% khóa học; trên 6.700 học viên hoàn thành ít nhất 50% thời lượng khóa học, vượt 125% chỉ tiêu cam kết với Unilever.

Hiện nay, các lớp trực tuyến vẫn được mở để học viên tiếp tục theo học đến hết tháng 3/2023. Hy vọng, số lượng học viên theo học và hoàn thành khóa học theo yêu cầu sẽ tăng lên.

Theo Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, kết quả đánh giá và phản hồi của học viên cho thấy, khóa học có tính thực tiễn cao, giúp học viên nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh doanh, kỹ năng khởi sự doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Các học viên mong muốn khóa học tiếp tục được triển khai trong những năm tới, tạo cơ hội cho nhiều phụ nữ được tiếp cận với các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, hướng tới nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững.

Phụ nữ khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số ảnh 3

10 nghìn phụ nữ gồm doanh nhân, chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh và sinh viên nữ đã tham gia khóa học “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”; trong đó có trên 5 nghìn học viên hoàn thành 100% khóa học.

“Trên thực tế, không thể có bình đẳng, phát triển nếu không có cơm ăn, áo mặc. Vì vậy, nâng cao quyền năng kinh tế là giải pháp căn cơ và hữu hiệu nhất” – TS Dương Kim Anh nhìn nhận, đồng thời viện dẫn câu nói: Giáo dục một người đàn ông chỉ được một người đàn ông nhưng giáo dục một người phụ nữ được cả một gia đình, xã hội.

“Thực tế cho thấy, khi người phụ nữ được nâng cao quyền năng giáo dục con cái, gia đình, xã hội được hưởng lợi từ họ. Khóa đào tạo “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”, vì thế càng thêm ý nghĩa” - TS Dương Kim Anh nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ nữ khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số