Thời sự

Phụ nữ Tây Nguyên góp sức đánh Mỹ

02/05/2025 10:53

Từ địa bàn cư ngụ ở cao nguyên với sắc thái văn hóa đặc thù và truyền thống “mẫu hệ”, phụ nữ Tây Nguyên đã phát huy tốt vai trò, có nhiều đóng góp trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Các mẹ, các chị đã kề vai sát cánh bên nhau, một lòng đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, Bác Hồ với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Tham gia hiệu quả các phong trào

Địa bàn Tây Nguyên rộng lớn và có vị trí chiến lược, nên chính quyền Sài Gòn đã bố trí lực lượng quân sự mạnh gồm: Sư đoàn bộ binh 23, 7 tiểu đoàn biệt động quân, 36 tiểu đoàn bảo an, 4 thiết đoàn thiết giáp, 230 khẩu pháo, Sư đoàn 6 không quân với 150 máy bay các loại.

Đồng thời, chính quyền Mỹ - Diệm thi hành nhiều chính sách đàn áp, kìm kẹp, khủng bố gắt gao, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các tỉnh, Hội phụ nữ, chị em phụ nữ trên từng huyện, xã, buôn, làng đã tham gia hiệu quả vào 3 phong trào lớn, đó là: Đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử; đấu tranh chống chính sách “tố cộng, diệt cộng” bảo vệ cơ sở, bảo vệ cán bộ; đấu tranh chống lấn chiếm đất lập dinh điền.

Điển hình trong phong trào phụ nữ tham gia chống tố cộng của địch đã có nhiều gương cán bộ, đảng viên là nữ bị địch bắt, tra khảo nhưng các chị vẫn kiên trung đối mặt với kẻ thù.

Chị Đinh Nướp (Jrai), làng Su Groi (nay thuộc xã Koong Bla, huyện Kbang) bị địch bắt và tra tấn dã man nhưng nhất định không khai báo.

Năm 1971, chị là Tỉnh ủy viên và bị địch bắt lần thứ 2 cùng với đứa con mới 3 tuổi, nhưng chị kiên quyết không khai báo dù chịu đòn roi tra tấn của kẻ thù cho đến lúc trốn thoát được.

Đáng chú ý, phụ nữ Tây Nguyên đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức phong trào “Ba đảm đang” với các nội dung: “Đảm đang sản xuất và công tác”; “Đảm đang gia đình”; “Đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu”.

Đồng thời, Hội Phụ nữ 4 tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức phát động phong trào thi đua “5 tốt” với nội dung: “Đoàn kết đấu tranh chính trị, võ trang, binh vận tốt”; “Lao động sản xuất, tiết kiệm tốt”; “Chăm sóc, nuôi dưỡng thương, bệnh binh tốt”; “Học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn tốt”; “Rèn luyện tư cách đạo đức tốt”. Với phong trào “5 tốt”, lớp lớp hội viên, phụ nữ các dân tộc trong 4 tỉnh luôn là lực lượng nòng cốt, trung kiên, bất khuất, anh dũng thi đua giết giặc, lập công, góp sức trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nổi bật trong số những chị em chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo là nữ du kích Kpăh Ó. Chị sinh ra và lớn lên tại xã Ia Phìn, huyện Chư Prông.

Tháng 2/1970, với cương vị là Tiểu đội trưởng du kích, chị đã chỉ huy 2 tiểu đội du kích đánh xe trên đoạn Hàm Rồng, diệt 42 lính ngụy (riêng chị diệt 8 tên). Với thành tích này, chị được tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng III.

Bên cạnh đó, chị đã nhiều lần bắn máy bay địch, trong đó có một lần bắn cháy một chiếc trực thăng. Cùng với nhiều tích nổi bật trong chỉ huy du kích chiến đấu, trong công tác binh vận, chị đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công, 20 bằng khen, giấy khen, huy hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Ngày 6/11/1978, chị vinh dự được Chính phủ tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

phu-nu-tay-nguyen-gop-suc-danh-my-1.jpg
Đồng bào Tây Nguyên mừng chiến thắng. Ảnh: Thanh Tụng

Xây dựng, bảo vệ lực lượng cách mạng

Phụ nữ các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên là lực lượng quan trọng trong đấu tranh chống địch dồn dân lập ấp chiến lược. Thông qua vai trò của các hội phụ nữ trên từng địa bàn, chị em phụ nữ đã tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, các tầng lớp nhân dân và người lao động ủng hộ, giúp đỡ xây dựng căn cứ cách mạng, tham gia các đội du kích, đội tự vệ. Nhờ vào hoạt động này, nhiều thanh niên, người dân các lứa tuổi hăng hái tham gia các đội du kích, tự vệ, gia nhập vào các đơn vị bộ đội chính quy của lực lượng vũ trang địa phương.

Các mẹ, các chị cũng nêu cao quyết tâm, là lực lượng quan trọng trong xây dựng và bảo vệ vùng căn cứ cách mạng và tiếp tế cho bộ đội.

Chỉ tính riêng ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk, dù đối mặt với chính sách khủng bố và mị dân của chính quyền Mỹ - Diệm, nhưng điều đó không làm lay chuyển được tinh thần đấu tranh cách mạng của chị em, mà ngược lại càng làm tăng thêm lòng căm thù, ý chí quật cường của các mẹ, các chị.

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ tỉnh trong việc tăng cường xây dựng cơ sở cách mạng, Hội Phụ nữ tỉnh đã xây dựng 521 cơ sở tại các buôn, làng, là cơ sở hậu thuẫn vững chắc cho công tác phá ấp sau này.

Đầu năm 1962, địch bắt đầu thực hiện kế hoạch gom dân lập ấp bằng nhiều thủ đoạn, Hội Phụ nữ các huyện trong tỉnh Đắk Lắk đã tích cực phối hợp với các lực lượng khác tham gia đấu tranh phá ấp. Hàng nghìn phụ nữ đào hầm, lập làng chiến đấu, vót hàng vạn cây chông gài trên các đường hành lang bảo vệ vùng căn cứ.

Cùng nhiều hình thức: Vận động chồng con lên đường chiến đấu, tiếp tế lương thực, nuôi giấu bộ đội, hàng trăm nghìn phụ nữ trực tiếp tham gia các đợt đấu tranh giành chính quyền và đưa ra khẩu hiệu “Chỉ tiến không lùi, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 - 1975), địch ra sức lập các khu dồn dân, chị em đã bám theo dân nhằm ổn định tư tưởng, xây dựng cơ sở. Từ năm 1960 – 1962, đã nổi lên một số cán bộ nữ người Dân tộc thiểu số Xê đăng (Kon Tum); Jrai, Bahnar (Gia Lai); Ê đê (Đăk Lăk); M’Nông (nay thuộc tỉnh Đắk Nông) thoát ly, năng nổ, tận tụy, đảm nhận nhiều mặt hoạt động ở cơ quan tỉnh và huyện như cô Jră, Dreng, chị RaLan H’Lă (H’Bình), chị H’Lơ, chị H’Nghia.

Đáng chú ý, trong số những nữ du kích tóc dài người dân tộc thiểu số, có nhiều chị em nêu gương sáng về tinh thần chiến đấu anh dũng, sẵn sàng xả thân hy sinh vì nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ buôn, làng, bảo vệ nhân dân, bộ đội...

Điển hình như trong phong trào đấu tranh của nhân dân toàn tỉnh Gia Lai có 1.225 nữ du kích, đặc biệt có các nữ du kích ở H4 lập công xuất sắc. Các chị Rơ Mah Sao, Rơ Lan Meck đã lập công đầu diệt 3 xe cơ giới, làm chết 42 tên lính Mỹ. Vì vậy, cùng một lúc hai chị nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú” và “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”.

Trong giai đoạn đấu tranh nhằm đánh bại kế hoạch bình định lấn chiếm của địch, giành giữ dân, củng cố và tiếp tục phát triển lực lượng cách mạng, phụ nữ 4 tỉnh Tây Nguyên vẫn duy trì các hoạt động hiệu quả, nhất là đấu tranh chống địch càn quét, nống lấn và xây dựng, tổ chức đời sống các buôn, làng, cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội Mặt trận Tây Nguyên.

Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, mà mở đầu là chiến thắng vang dội của Chiến dịch Tây Nguyên lịch sử, hàng ngàn phụ nữ các dân tộc thiểu số đã tham gia tích cực vào công tác giao liên, tiếp tế hậu cần,

Qua đó, góp phần quan trọng trong gia tăng sức mạnh tổng hợp của bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên, tạo đà vô cùng quan trọng cho các chiến thắng Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thống nhất đất nước.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/phu-nu-tay-nguyen-gop-suc-danh-my-post729342.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/phu-nu-tay-nguyen-gop-suc-danh-my-post729342.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ nữ Tây Nguyên góp sức đánh Mỹ