Phương án thi 2+2 phát huy tốt hơn định hướng nghề nghiệp

01/12/2023, 11:18
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 được nhận định có nhiều ưu điểm mà một trong số đó là giúp học sinh phát huy tốt hơn định hướng nghề nghiệp.

Cân bằng khối thi

Bộ GD&ĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Thầy Nguyễn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Tấn Phát (Bến Tre) cho rằng, phương án đưa ra có tính liên thông, kết nối giữa quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá nhằm từng bước giải quyết bất cập “học một đằng - thi, kiểm tra một nẻo” hay “thi gì dạy nấy”.

Đây cũng là phương án giúp giảm áp lực thi cử cho học sinh; giảm chi phí cho gia đình học sinh, xã hội; giảm được 1 buổi thi, xuống còn 3 buổi.

Đặc biệt, phương án này không gây nên sự mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay; giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thuận lợi cho học sinh dựa trên năng lực, sở trường để chọn tổ hợp xét tuyển vào đại học.

Đồng thời phương án cũng tạo sự công bằng giữa học sinh hệ phổ thông và học viên hệ giáo dục thường xuyên, học sinh ở các vùng khác nhau.

“Nhà trường sẽ tập trung ôn tập ít môn học hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2006. Tuy nhiên, việc sắp xếp lớp ôn tập theo môn học sinh chọn gặp nhiều khó khăn vì các tổ hợp môn học sinh đang chọn ở các lớp khác nhau”, thầy Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.

Cùng quan điểm, cô Đinh Hồ Mỹ Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Kiết (Bến Tre) cũng nhận định phương án 2+2 có nhiều thuận lợi cho học sinh và nhà trường.

Cụ thể, việc giảm số lượng môn thi sẽ giảm được áp lực thi cử cho học sinh; đồng thời, giảm thời gian thi và kinh phí cho kỳ thi.

Giảm số lượng môn thi cũng sẽ thay đổi được quan niệm “thi gì học đó”. Nếu thi nhiều môn, học sinh sẽ chỉ tập trung vào những môn thi tốt nghiệp, dẫn đến buông bỏ, không quan tâm những môn học khác, xem đó là môn học phụ.

Với phương án thi 4 môn, học sinh sẽ có thời gian, điều kiện học những môn yêu thích đã được lựa chọn ngay từ đầu cấp, phù hợp với năng lực, phẩm chất của mình.

Trường THPT bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập nhằm chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Trường THPT bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập nhằm chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Triển khai hiệu quả công tác ôn tập

Chia sẻ kế hoạch triển khai dạy học ôn tập của nhà trường để bảo đảm chất lượng thi tốt nghiệp THPT lứa học sinh đầu tiên của Chương trình GDPT 2018, thầy Nguyễn Quang Vinh cho biết, Trường THPT Huỳnh Tấn Phát sẽ đổi mới công tác quản lý, xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; lấy đổi mới căn bản phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, phát triển năng lực cá nhân và phẩm chất người học làm cốt lõi.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy - học; đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Nhà trường cũng chú trọng tổ chức các hoạt động, mô hình giáo dục sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động học sinh nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp trong nhà trường.

Đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong các nhà trường. Tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục, sử dụng 100% hồ sơ điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử để nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục. Thực hiện nhập số liệu, khai thác, sử dụng thống nhất dữ liệu toàn ngành về trường, lớp, học sinh, giáo viên, trường chuẩn quốc gia và các thông tin khác trong quản lý, báo cáo.

Nhà trường chủ động trong việc xây dựng kế hoạch cụ thể và lộ trình phù hợp để tổ chức dạy học, đầu năm cho học sinh chọn môn thi trước để ôn tập nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của kỳ thi theo chương trình mới.

Việc xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra, khảo sát sẽ thường xuyên hơn trên quy mô toàn khối, qua đó kịp thời có những điều chỉnh trong tổ chức dạy học và hỗ trợ học sinh.

“Nói chung, chúng tôi sẽ chủ động triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, tổ chức kiểm tra, đánh giá trung thực với yêu cầu dạy, học toàn diện, sẵn sàng đáp ứng với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025”, thầy Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.

Tại Trường THPT Trần Văn Kiết (Bến Tre), thông tin từ cô Đinh Hồ Mỹ Ngọc, sau khi có phương án thi, việc đầu tiên nhà trường triển khai là tuyên truyền cho học sinh, cha mẹ học sinh phương án. Cùng với đó, tiếp tục định hướng nghề nghiệp để học sinh có thể lựa chọn 2 môn thi tự chọn phù hợp với ngành nghề và năng lực của bản thân.

“Chúng tôi cũng sẽ chú trọng đến giáo dục toàn diện, kịp thời ngăn chặn tư tưởng học lệch của học sinh”, cô Đinh Hồ Mỹ Ngọc cho hay.

Bài liên quan
Hà Nội: Học sinh lớp 12 hoàn thành thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT
Hơn 130 nghìn học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố Hà Nội hoàn thành việc thử đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phương án thi 2+2 phát huy tốt hơn định hướng nghề nghiệp