Mặc dù được mùa nhưng nông dân ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đang "đứng ngồi không yên" vì quả su su, cà rốt rớt giá cả chục lần.
Xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) có hơn 350ha trồng rau màu các loại, trong đó gần một nửa diện tích rau màu là củ cà rốt và su su.
Đây là 2 loại cây trồng chủ lực của địa phương, chăm bón theo phương pháp hữu cơ nên cho ra sản phẩm sạch và an toàn, được tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Nông dân xã Quỳnh Liên đầu tư hệ thống giàn kiên cố để trồng su su. Những ruộng cà rốt cũng được lắp đặt hệ thống tưới tự động để giảm sức lao động, tăng năng suất.
Cây su su được trồng từ tháng 8 hằng năm và cho thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Sau khi thu hoạch, quả su su và củ cà rốt được thương lái thu mua, vận chuyển và tiêu thụ ở thị trường Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.
Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên su su được mùa với năng suất bình quân đạt từ 100-120 tấn/ha, cà rốt 55-60 tấn/ha.
Tuy nhiên, trái với cảnh thu hoạch, mua bán nhộp nhịp như mọi năm, năm nay 2 loại nông sản này chất đầy bên bờ ruộng vì không tiêu thụ được.
Đang cắt bỏ những quả su su trong vườn, ông Nguyễn Văn Vỹ (trú tại xóm Đại Đồng, xã Quỳnh Liên) cho biết, vụ su su năm nay gia đình ông trồng 15 sào.
Trước Tết Nguyên đán cà rốt được thương lái thu mua giá 11.000-12.000 đồng/kg, nhưng nay giảm chỉ còn 3.000 đồng/kg. Su su giá 5.000 đồng/kg giảm còn 300-500 đồng/kg.
Với mức giá này ông Vỹ không đủ tiền trả công thuê người thu hoạch nên đành để cho quả su su rụng. Để tránh cây ra quả mới nhanh, mỗi ngày vợ chồng ông Vỹ phải ra ruộng hái bớt quả và lá.
“Nếu không hái bỏ thì sẽ gãy cây, sập giàn, mất công đầu tư. Mỗi sào su su chúng tôi bỏ khoảng 5 triệu đồng tiền giống và phân bón, nếu thời gian tới giá su su tăng lên thì may ra đủ vốn, không thì chấp nhận lỗ nặng”, ông Vỹ buồn bã nói.
Bà Nguyễn Oanh - Chủ nhiệm Hợp tác xã tiêu thụ rau Phương Liên cho biết, trên địa bàn có gần 20 cơ sở thu mua rau, củ quả cho nông dân. Ước tính hằng ngày có hàng trăm tấn rau được vận chuyển tiêu thụ đi các tỉnh và xuất khẩu.
Năm nay thời tiết thuận lợi, nguồn rau củ nhiều, su su và cà rốt không xuất khẩu được nên rớt giá. Vì giá bán thấp không đủ tiền công nên người dân không mặn mà thu hoạch.
Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên Cao Xuân Phương cho biết, su su và cà rốt là cây trồng chủ lực vụ Đông của xã, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Thời gian tới, địa phương sẽ hướng dẫn bà con trồng theo quy hoạch để tránh tình trạng cung vượt quá cầu, khó tiêu thụ.
Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, tiềm năng lớn về nông nghiệp với nhiều sản phẩm nổi tiếng như: nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, cam Vinh, chè gay, lạc sen... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển nông nghiệp của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là bài toán đầu ra cho sản phẩm.
Những năm qua, số dự án đầu tư vào Nghệ An trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng số dự án của tỉnh. Điều này cho thấy doanh nghiệp không mặn mà đối với lĩnh vực này, một phần do đặc thù sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, rủi ro cao và chậm thu hồi vốn.
Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch và liên kết cũng là một vấn đề nan giải.
Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, nhiều địa phương đã xác định được vùng chuyên canh cho các sản phẩm thế mạnh, nhưng quy mô còn nhỏ, sản phẩm chưa đồng nhất, chưa có vùng chuyên canh đúng nghĩa; liên kết chuỗi giá trị, liên kết vùng còn yếu, dẫn đến tình trạng sản phẩm khó tiêu thụ.
Điển hình như cây gừng ở huyện Kỳ Sơn, dù có chất lượng vượt trội nhưng vẫn thường xuyên gặp tình trạng tiêu thụ bấp bênh, giá cả xuống thấp.
Một trong những nguyên nhân khác khiến nông sản Nghệ An khó tiêu thụ là do hệ thống thông tin thị trường chưa đồng bộ, nắm bắt xu hướng thị trường còn hạn chế. Điều này khiến người sản xuất gặp khó khăn trong việc định hướng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Để giải quyết bài toán này, ông Hóa cho biết, tỉnh Nghệ An đang kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại trọng điểm như: Chợ đầu mối, trung tâm logistics để tăng khả năng tiếp cận giữa người bán và người mua, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.
Tỉnh cũng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến đến xây dựng thương hiệu, nhãn mác và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Để quảng bá sản phẩm OCOP và các loại nông sản đặc trưng, Nghệ An sẽ tổ chức các hoạt động kết nối trực tiếp với các tập đoàn bán lẻ, hệ thống phân phối lớn trong nước để đưa sản phẩm lên kệ hàng; triển khai hỗ trợ kết nối giao thương, xúc tiến thương mại sản phẩm đến các thị trường lớn trong và ngoài nước.