Phương pháp đồng hành cùng trẻ vị thành niên bước vào tương lai

Phạm Hoa - Việt Anh | 25/10/2023, 08:18
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Tuổi vị thành niên là ở sau tuổi thiếu nhi và trước tuổi trưởng thành. Đây là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng trong cuộc sống con người.

Cha mẹ cần có những kiến thức cần thiết để đồng hành, giúp con bước qua tuổi vị thành niên một cách nhẹ nhàng nhất, thông minh nhất với những hành trang cần thiết vào đời.

Những thay đổi về tâm lý

Với những đặc điểm sinh lý riêng biệt, trẻ muốn khẳng định mình nên dễ thay đổi tính cách, hành vi ứng xử được thể hiện như sau:

Tính độc lập: Trẻ bắt đầu có xu hướng tách ra, ít phụ thuộc vào cha mẹ. Chuyển từ sinh hoạt gia đình sang sinh hoạt bạn bè, tín ngưỡng để đạt được sự độc lập. Đôi khi trẻ còn có xu hướng chống đối lại bố mẹ, vì vậy các bậc phụ huynh cần quan tâm uốn nắn, nhưng phải kiên trì, mềm dẻo, linh hoạt để tránh chạm đến tự ái của trẻ.

Về tính cách: Cố gắng khẳng định mình như một người lớn vì vậy có những hành vi bắt chước người lớn.

Về tình cảm: Chuẩn bị cho mối quan hệ yêu đương (khó phân biệt đâu là tình yêu, đâu là bạn bè, dễ mơ mộng, khi đổ vỡ niềm tin dễ chán nản), học cách biểu lộ tình cảm và điều khiển cảm xúc, phát triển khả năng yêu và được yêu, tỏ thái độ thân mật trong quan hệ với người khác.

tre-vi-thanh-nien-hoat-dong-ngoai-khoa.jpg
Đặc điểm tâm lý trẻ vị thành niên rất phức tạp, vì vậy trẻ cần sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của người lớn, giúp các em từng bước tự chủ mọi hoạt động.

Tính tích hợp: Những thông tin thu thập được từ cha mẹ, nhà trường, xã hội, bạn bè, người trung gian, các hoạt động văn hóa là cơ sở để tạo ra giá trị của bản thân, tạo sự tự tin và cách ứng xử.

Về trí tuệ: Vị thành niên thường thích lập luận, suy diễn nhìn sự vật theo quan điểm lý tưởng hóa. Giai đoạn phát triển đặc biệt này chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ của các điều kiện văn hóa, giáo dục, kinh tế của môi trường gia đình và xã hội đồng thời cũng là giai đoạn gây nhiều lo ngại cho các bậc cha mẹ và cho cộng đồng.

Tuổi vị thành niên ở mỗi nền văn hóa có những đặc điểm riêng nhưng nói chung còn bộc lộ tính phụ thuộc, sự khủng hoảng về nhân cách và hoang mang về tâm lý mà như nhiều người đã nhận xét, các em đang muốn khám phá chính mình.

Tuy trưởng thành về mặt cơ thể nhưng vị thành niên vẫn cần phải được giúp đỡ, giáo dục của nhà trường, gia đình để hình thành nhân cách phát triển đúng hướng.

hoat-dong-ngoai-khoa-tre-vi-thanh-nien.jpg
Ở lứa tuổi vị thành niên, bố mẹ, thầy cô nên hết sức tế nhị, khéo léo trong quá trình giao tiếp và thái độ ứng xử với trẻ.

Cần làm gì để giáo dục trẻ?

Phải dạy cho các em những kiến thức, kỹ năng cụ thể như cách từ chối tình dục, cách giữ gìn thân thể, cách thoát hiểm… Tùy theo lứa tuổi mà có phương thức, nội dung phù hợp.

Ở trường học nên tổ chức vào giờ ngoại khóa, sinh hoạt chủ đề, phòng tư vấn và tùy nội dung có thể nam, nữ học riêng. Tại nhà bố mẹ nên dành thời gian trò chuyện tâm sự, giữa mẹ với con gái, bố với con trai.

Đây chính là chìa khóa giúp con biết cách tự vệ, giữ gìn bản thân ở mọi hoàn cảnh, khi người khác có cái nhìn khiếm nhã, có động tác đụng chạm, người lạ rủ đi chơi, dụ cho ăn uống, cho quà…

Vấn đề mấu chốt là trang bị cho con gái lứa tuổi vị thành niên kỹ năng sống và biết cách từ chối trước những đòi hỏi hoặc dụ dỗ từ bạn tình; những cách ứng xử hợp lý trong mọi tình huống để giúp con tránh được những nguy cơ có thể đến với chúng.

Nếu cha mẹ muốn duy trì một mối quan hệ tốt với con trong độ tuổi này, họ phải thực hiện ba thay đổi sau đây: Tham gia thảo luận với con thay vì đưa ra các mệnh lệnh; Lắng nghe hơn và đặt câu hỏi; Tôn trọng quyết định cuối cùng của con.

tre-vi-thanh-nien.png
Tuổi vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng trong cuộc sống con người.

Thanh thiếu niên có những suy nghĩ độc lập của riêng mình. Sử dụng giọng ra lệnh khi nói chuyện sẽ làm con khó chịu hơn nữa. Cha mẹ nên học cách xem con như bạn bè.

Cố gắng nói chuyện với con theo cách khiến con cảm thấy thoải mái và cho thấy rằng bạn thừa nhận thực tế con đang trưởng thành.

Khi có vấn đề cần trao đổi, cha mẹ nên lắng nghe chăm chú những gì con nói và đưa ra hướng dẫn thích hợp khi con đang tìm những mặt ưu nhược điểm của một vấn đề. Cố gắng không đánh giá trên quan điểm của thế hệ mình vì điều này sẽ chỉ càng làm thêm xa cách.

Hãy chấp nhận những sai lầm

Trẻ vị thành niên phải được học hỏi và lớn lến từ những sai lầm. Miễn là con bạn không làm điều gì đó sai trái hoặc vô đạo đức, là cha mẹ, bạn nên luôn tôn trọng sự lựa chọn của con. Hãy cho phép con bạn mắc sai lầm và chắc chắn rằng bạn luôn ở đó khi con cần bạn.

Khi bạn phải tìm cách giao tiếp với con đang trong tuổi nổi loạn, cũng đừng quên chọn đúng giải pháp tài chính và chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn thay đổi mà con bạn đang trải qua.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phương pháp đồng hành cùng trẻ vị thành niên bước vào tương lai