Nên khích lệ cả những học sinh nhút nhát cùng tham gia, giáo viên không làm thay mà có thể hướng dẫn, gợi ý nếu học sinh chưa thực hiện được.
Nên có hoá trang và đạo cụ đơn giản để tăng tính hấp dẫn của trò chơi đóng vai (nếu có điều kiện).
Lưu ý: cần dự kiến thời gian thảo luận ngay sau buổi đóng vai. Thời gian thảo luận phải đủ để mọi người phát biểu, có thể nêu lên được đầy đủ các nhận xét, rút kinh nghiệm, đánh giá... Để xác định thời gian đóng vai, có thể tham khảo ý kiến những người sẽ thực hiện vai đóng (học sinh sẽ đề xuất sau khi đã trao đổi, hội ý với nhau về dự kiến nội dung dựa theo nhiệm vụ được giao).
Giáo viên giải thích rõ hơn về từng vai cho học sinh; tổ chức cho học sinh tự phân vai nếu hoạt động theo nhóm, tự chọn vai nếu nhiều vai, chủ yếu dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Học sinh làm quen với vai của mình, có thể sử dụng thẻ mô tả vai; thảo luận về tính cách, cách thức thể hiện của vai đóng.
Trên cơ sở các vai đã đảm nhận, học sinh tập đóng vai.Trong khi tổ chức đóng vai, với những học sinh không tham gia đóng vai, giáo viên cần hướng dẫn để các em xác định các tiêu chí quan sát và và nhận nhiệm vụ quan sát, nhận xét, góp ý cho các vai diễn.
Học sinh diễn vai do mình đảm nhận và những học sinh khác không trực tiếp tham gia đóng vai sẽ thực hiện việc quan sát.
Trước khi thực hiện đóng vai, giáo viên cần nêu rõ: chủ đề, mục tiêu học tập, giao nhiệm vụ cho các vai và người quan sát, xác định thời gian đóng vai.
Khi thực hiện đóng vai, các vai đóng hoàn toàn chủ động về nội dung và thời gian. Giáo viên không nên can thiệp, nhắc nhở làm mất tính chủ động, linh hoạt của vai diễn. Chỉ được ngừng thực hiện đóng vai khi kéo dài quá thời gian quy định nhiều, không còn thời gian để thảo luận sau đóng vai.
Vai đóng không cần thực hiện các kỹ xảo biểu diễn như trong đóng kịch, dễ gây mất tập trung vào nội dung. Cần lưu ý thể hiện thái độ, phong cách trong giao tiếp nhất là với vai "chính"; bám sát mục tiêu học tập, nhiệm vụ được giao trong đóng vai, có ý thức cộng tác, hỗ trợ cho đóng vai.
Người quan sát (các người học khác) được phân thành nhóm nhỏ (vài người). Mỗi nhóm được giao các nhiệm vụ cụ thể như: nhóm theo dõi nhận xét vai "chính"; nhóm theo dõi nhận xét vai "phụ"; các nhóm theo dõi về kỹ năng giao tiếp, thái độ, kiến thức, năng lực giải quyết vấn đề...
Học sinh tự tách mình ra khỏi vai diễn, tự đánh giá về kết quả trình diễn của bản thân, về vai diễn và cảm nhận của mình. Người quan sát nhận xét về tiến trình đóng vai. Toàn lớp thảo luận, đánh giá về hoạt động đóng vai. Rút ra kinh nghiệm, kiến thức, thông điệp từ hoạt động.
Thực hiện thảo luận ngay sau khi đóng vai để người học còn lưu giữ được các nhận xét, quan sát qua thực tế buổi đóng vai. Để buổi thảo luận đạt hiệu quả giáo viên cần có định hướng học sinh thảo luận về những nội dung trọng tâm của bài học được đặt ra từ các sản phẩm.
Đánh giá, nhận xét chung của buổi đóng vai cần dựa trên kết quả thảo luận để có nhận xét chung, tránh tình trạng áp đặt không phân biệt đúng, sai, cái nên, không nên làm; nêu lên được những điều học tập và những điều cần rút kinh nghiệm.
Sau khi thực hiện buổi dạy học bằng phương pháp đóng vai, giáo viên cần kiểm định theo các nội dung chủ yếu sau:
Chủ đề của đóng vai có thích hợp với phương pháp đóng vai? Có phải đóng vai là phương pháp tốt nhất để thực hiện nội dung dạy học này không? Chủ đề của đóng vai có phù hợp với kiến thức và khả năng của người học?
Mục tiêu của đóng vai có phù hợp, bổ sung tốt cho mục tiêu bài giảng? Các mục tiêu được đề ra có đầy đủ, rõ ràng?
Tình huống và các vai đóng có thích hợp với chủ đề, mục tiêu học tập? Có tạo điều kiện để các vai đóng thể hiện được mục tiêu học tập? Có trình bày được nhiều thông tin cần thiết? Có đề xuất đến những vấn đề thiết thực, quan trọng của nội dung học tập? Công tác chuẩn bị cho buổi đóng vai (nêu rõ chủ đề, mục tiêu học tập, giao nhiệm vụ cho các vai, người quan sát...); thực hiện buổi đóng vai, hướng dẫn thảo luận sau khi đóng vai... Qua đó rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện thêm.
Cuối cùng, giáo viên chốt kiến thức, hướng dẫn học sinh tổng hợp và khái quát những vấn đề trọng tâm của bài học.