“Tôi thấy rất nhiều sự mệt mỏi, tôi thấy rất nhiều điểm yếu giữa các đối tác, họ muốn quên đi cuộc chiến nhưng cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn, trên quy mô toàn diện” , Bộ trưởng Ukraine nói.
Trong số các yếu tố khiến phương Tây chuyển sự chú ý khỏi Ukraine, quan chức Ukraine nêu lên xung đột giữa nhóm Hamas, lực lượng kiểm soát Gaza và Lực lượng Phòng vệ Israel. Nhiều người lo ngại xung đột này có thể lan rộng khắp Trung Đông, làm gián đoạn toàn bộ nền kinh tế toàn cầu vì khu vực này là nhà cung cấp năng lượng đồng thời là trung tâm vận chuyển quan trọng của thế giới.
Marchenko cũng chỉ ra cuộc bầu cử năm tới ở Mỹ và châu Âu là một yếu tố xao nhãng khác. Ông nhấn mạnh rằng "sự thay đổi địa chính trị và bối cảnh chính trị nội bộ ở các quốc gia khác nhau" đang khiến chính phủ các nước đồng minh ít tập trung hơn vào việc hỗ trợ Ukraine.
Kiev cần sự hỗ trợ tài chính của phương Tây để đáp ứng phần lớn yêu cầu chi tiêu ngân sách 43 tỷ USD vào năm 2024.
“Chúng tôi đã có một số cam kết, chẳng hạn như 5,4 tỷ USD từ chương trình IMF, và chúng tôi mong đợi các cam kết từ Nhật Bản và Vương quốc Anh, cũng như dựa vào các đối tác và đồng minh chính của mình là Mỹ và Liên minh Châu Âu”, Marchenko nói. Ông cho biết Ukraine cũng đang tìm cách cơ cấu lại nợ quốc tế và đảm bảo nguồn tài chính mới, nhưng chưa đưa ra khung thời gian cụ thể.
Đầu tuần này, Marchenko viết trên X (trước đây là Twitter) rằng Ukraine nhận được khoản viện trợ trị giá 1,2 tỷ USD từ Washington, nâng mức hỗ trợ của Mỹ dành cho Kiev trong năm nay lên 10,9 tỷ USD. EU đã hứa viện trợ 18 tỷ euro (18,9 tỷ USD) cho Ukraine trong năm nay và Brussels hiện đang nghiên cứu một gói hỗ trợ trị giá 50 tỷ euro khác sẽ được phân bổ từ năm 2024 đến năm 2027.
Ngoài ra, Bỉ đã công bố vào đầu tuần này rằng họ sẽ chuyển sang Ukraine doanh thu thuế trị giá 1,7 tỷ euro được tạo ra từ các tài sản của Nga bị đóng băng. Nga phản đối mạnh mẽ việc sử dụng tài sản bị phong tỏa của mình để viện trợ cho Ukraine, cho rằng hành động này đi ngược lại luật pháp quốc tế.